Tại Tọa đàm về An toàn thông tin số diễn ra ở Hà Nội ngày 14/3, ông Pierre Noel, GĐ kiêm Cố vấn An ninh thông tin Microsoft Châu Á cho biết, xu hướng nhiễm mã độc và các phần mềm không mong muốn ở Việt Nam từ quý 3/2011 cho đến quý 2/2012 cao hơn 2 lần so với chỉ số trung bình trên thế giới.
Theo Microsoft, xu hướng nhiễm mã độc và các phần mềm không mong muốn ở Việt Nam từ quý 3/2011 cho đến quý 2/2012 đều cao hơn 2 lần so với chỉ số trung bình trên thế giới.
Theo đó, nguy cơ phổ biến nhất tại Việt Nam là những phần mềm không mong muốn, chiếm tới 54% máy tính đã phát hiện trong quý 2/2012, giảm hơn 4% so với quý 1/2012 (chiếm tới 58,8% máy tính). Nguy cơ cao thứ 2, thứ 3 là các mã độc cửa sau (trojan) và sâu/virus máy tính (worm) ảnh hưởng lần lượt đến 41,3 % máy và 30,1% máy tính đã phát hiện.
Các mẫu mã độc và phần mềm không mong muốn "đầu bảng" là WIN32/keygen (công cụ tạo ra mã sản phẩm để bẻ khóa cho nhiều phần mềm khác nhau) và WIN32/Ramnit (mã độc thường lây nhiễm vào các tập tin thực thi .exe, tập tin Microsoft Office và tập tin HTML, mở đường cho những cuộc tấn công từ xa). "Sử dụng các keygen bẻ khóa phần mềm, truy cập các trang web khiêu dâm và mua các đĩa DVD phần mềm lậu ngoài thị trường là những nguyên nhân khiến người dùng hay bị nhiễm mã độc", ông Pierre Noel cho biết thêm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định an toàn thông tin (ATTT) là vấn đề đang được nhiều tổ chức và cộng đồng đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, việc xâm nhập hay tấn công các hệ thống CNTT ngày càng phổ biến, tinh vi và phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. "Bộ TT&TT được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật ATTT số nên Bộ đã, đang và sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTT với các tổ chức doanh nghiệp trong, ngoài nước để giúp xây dựng dự thảo Luật", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Trước đó, theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu về an toàn máy tính tại Đông Nam Á do Microsoft công bố vào quý 2/2012, qua 282 bộ đĩa cài và ổ cứng của các máy tính có thương hiệu bao gồm Acer, Asus, Dell, HP, Lenovo và Samsung được lấy mẫu tại 5 quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, Microsoft đã phát hiện ra 69% các mẫu thử chứa các phần mềm độc hại, nguy cơ lây lan và phát tán virus cao. Riêng tại Việt Nam, nghiên cứu của Microsoft trên 41 ổ cứng và 9 mẫu đĩa DVD đã đưa ra kết quả 66% DVD lậu và 92% ổ cứng bị nhiễm mã độc cao nhất khu vực.