Nhiều người nghi ngờ về tương lai của nền tảng webOS bởi chưa rõ sự hỗ trợ từ HP và nhà sản xuất phần cứng nào sẽ tìm đến hệ điều hành này.
Avi Greengart, một nhà phân tích của công ty Current Analysis, cho biết việc webOS của HP trở thành nền tảng mở không khác gì bị "khai tử" nhưng "danh giá" hơn. Ngày 9/12, Hewlett-Packard đã tuyên bố sẽ cung cấp mã nguồn của webOS cho cộng đồng mã nguồn mở.
Hiện vẫn chưa rõ thời điểm HP sẽ cung cấp mã nguồn webOS. Ảnh: Androidheadlines.
Động thái trên của HP cũng khiến cho không ít người đặt ra nghi vấn cho tương lai của nền tảng này. Trong khi HP nói rằng sẽ tiếp tục hỗ trợ và phát triển webOS nhưng lại không cho biết cách thức thế nào. Một hệ điều hành thành công phải được "chống lưng" vững vàng. Một nền tảng không thể tự tồn tại nếu chỉ là một thí nghiệm khoa học. Nó phải nhận được sự hỗ trợ.
HP không nói rõ sẽ cấp giấy phép sử dụng mã nguồn mở ra sao và thời điểm cấp giấy phép sử dụng mã nguồn mở của HP cũng chưa được công bố. Tuy vậy, nhà phân tích Jay Lyman dự đoán, Hewlett-Packard có thể sẽ cấp giấy phép để các nhà phát triển kết hợp nhiều mã nguồn mở khác nhau. Ông cũng cho biết, mã nguồn mở của hãng này có thể được tung ra vào giữa năm sau.
webOS có thể là sự lựa chọn cho một số nhà sản xuất vốn đang lo lắng về việc Android bị kiện tụng ngày một nhiều. Ảnh: Geeky-gadgets.
Một vài ý kiến cho rằng việc webOS trở thành mã nguồn mở sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà sản xuất phần cứng bởi họ đang lo sợ về thương vụ Google - Motorola. Một số hãng phần cứng khác thì lại đang gặp khó khăn trong việc làm cho thiết bị Android của mình khác biệt so với những đối thủ khác. Những lý do trên có thể khiến họ tìm tới nền tảng của HP.