Việt Nam nhảy 15 bậc Chỉ số phát triển ICT

Việt Nam nhảy ấn tượng 15 bậc trong Chỉ số phát triển ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) toàn cầu và nằm trong top 10 quốc gia phát triển ICT nhanh nhất thế giới.

Dân số trẻ thúc đẩy nhu cầu chi tiêu ICT tăng cao là một trong những yếu tố góp phần phát triển ICT Việt Nam
Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) vừa công bố báo cáo xếp hạng Chỉ số phát triển ICT toàn cầu (ICT Development Index), xếp hạng Việt Nam đứng thứ 92 trong số 154 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2002 (hạng 107). Đặc biệt, Việt Nam cũng có mặt trong danh sách 10 có tốc độ phát triển ICT nhanh nhất thế giới.

Chỉ số này đánh giá tốc độ phát triển ICT của 154 quốc gia trong giai đoạn 5 năm từ 2002-2007, dựa trên ba chỉ số chính, gồm: Mức độ phổ cập ICT (gồm các chỉ số phụ tỷ lệ điện thoại cố định, di động, băng thông Internet, tỷ lệ máy tính); Mức độ sử dụng ICT (gồm chỉ số tỷ lệ người dùng Internet, số thuê bao Internet, thuê bao băng rộng di động); Các kỹ năng ICT (tỷ lệ người trưởng thành biết chữ, tỷ lệ phổ cập phổ thông trung học).

Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển dịch vụ điện thoại cố định, di động và Internet. Trong 5 năm, tỷ lệ người dùng di động ở Việt Nam đã tăng hơn chục lần, từ 2 triệu thuê bao năm 2002 lên 24 triệu thuê bao vào năm 2007. Đặc biệt, những số liệu gần đây từ các nhà cung cấp dịch vụ cho thấy số thuê bao di động ở Việt Nam đã tăng lên gấp đôi với 55% dân số sử dụng di động vào cuối năm 2008.

Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ người dân dùng Internet trên 100 dân đã tăng từ 1,8% lên 20%. Với tỷ lệ 1/5 dân số sử dụng Internet, Việt Nam đã vượt khá xa các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) - nhóm quốc gia thu nhập thấp.


Biểu đồ tốc độ phát triển di động và Internet tại Việt Nam giai đoạn 2002-2007, theo ITU.

Báo cáo này cho rằng sở dĩ Việt Nam có được kết quả đó trước tiên là nhờ vào sự phát triển bùng nổ về kinh tế, GDP đã tăng gần gấp đôi từ 430 USD năm 2002 lên 790 USD năm 2007. Trong điều kiện đó, dân số trẻ cũng là lý do khiến nhu cầu chi tiêu cho ICT cao hơn. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho cạnh tranh cũng đóng vai trò lớn với sự phát triển của lĩnh vực ICT, nhất là lĩnh vực di động. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ, coi ICT là một trong những mục tiêu phát triển chính của nền kinh tế.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp ngay sau Philipin và cách Thái Lan 29 bậc (63). Trên bình diện toàn cầu, ITU cho rằng khoảng cách số đang thu hẹp dần, đặc biệt là trong lĩnh vực di động. Tuy nhiên, các nền kinh tế phát triển vẫn nằm trong nhóm chỉ số cao. Trong 10 quốc gia có chỉ số phát triển ICT cao nhất, chỉ có một quốc gia trong khu vực châu Á là Hàn Quốc (thứ hai), còn lại đều đến từ châu Âu, trong đứng đầu là Thụy Điển, sau đó Đan Mạch, Hà Lan.

ITU cho rằng chỉ số này nhằm cung cấp cho các nhà làm chính sách công cụ để đánh giá sự phát triển ICT của đất nước và thấy được bức tranh phát triển của nền CNTT toàn cầu cũng như khoảng cách số giữa các quốc gia.

Bạn đọc có thể tham khảo toàn văn Chỉ số phát triển ICT toàn cầu bằng tiếng Anh tại đây.

Thứ Sáu, 27/03/2009 08:11
31 👨 994
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp