Vì sao ứng dụng Android “xấu xí”?

Tất nhiên không phải ứng dụng nào từ Android Market cũng “xấu xí” nhưng nếu bạn đã dùng qua các ứng dụng của iOS, bạn sẽ thấy chúng “long lanh” và dễ sử dụng hơn hẳn.

Đáng buồn là kể cả những ứng dụng có 2 phiên bản trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS thì bản dành cho iOS cũng có vẻ ngoài mượt mà hơn, dễ sử dụng hơn. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, có phải vì Apple khó tính hơn nên các nhà phát triển ứng dụng chăm chút hơn? Dưới đây là một số nhận xét của các chuyên gia về di động.

Yêu cầu “đầu vào” thấp

Hẳn ai cũng biết, để có thể viết được một ứng dụng và bán trên App Store tác giả của ứng dụng đó phải trả một khoản phí 99 USD/năm, phải sử dụng ngôn ngữ lập trình C hướng đối tượng (Objective-C) mà Apple đã quy định dành riêng cho nền tảng Mac OS và iOS của họ. Thêm vào đó, mỗi ứng dụng trước khi được phép xuất hiện trên App Store phải được các chuyên gia của Apple giám sát và kiểm duyệt rất gắt gao.

Với Android Market, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Bạn chỉ cần phải trả một khoản phí “đồng hạng” là 25 USD để được đưa sản phẩm của mình lên đó và nếu muốn thu tiền của người tải về, bạn phải chi thêm 25USD – một mức phí rẻ bằng ½ so với App Store. Thêm vào đó, để viết các ứng dụng cho Android, bạn có thể dùng ngôn ngữ lập trình Java – một ngôn ngữ được dạy khá phổ biến ở các trường cao đẳng, đại học.

Cũng bởi dễ dàng như thế nên hoàn toàn không có gì khó hiểu khi Android Market tràn ngập những sản phẩm của các tay “a-ma-tơ”. Kết cục thế nào thì người dùng cũng đã hiểu.

Vì sao ứng dụng Android “xấu xí”?

Lợi nhuận thấp

Android Market đang tăng trưởng với một tốc độ rất cao cả về số lượng ứng dụng lẫn giá tiền mà người dùng phải bỏ ra để tải một ứng dụng có phí trên đó. Mặc dù vậy, các nhà phát triển ứng dụng cho Android vẫn chỉ được hưởng một khoản khá khiêm tốn so với cùng một ứng dụng mà họ bán trên App Store. Đây có thể là lý do vì sao Market của Android chủ yếu là ứng dụng miễn phí.

Tuy nhiên, vẫn có những người kiếm được nhiều tiền từ Android hơn so với App Store của iOS nhưng đó chỉ là một số rất ít và không đại diện cho đa số nhà phát triển ứng dụng. Hẳn nhiên, nếu một ai đó muốn kiếm tiền từ ứng dụng của mình, họ sẽ ưu tiên App Store trước tiên và sau đó mới là Android Market.

Quá phân tán

Với các ứng dụng iPhone và iPad, nhà phát triển biết chắc chắn rằng sản phẩm của mình sẽ được hiển thị trên màn hình có kích thước bao nhiêu, chất lượng hình ảnh, sức mạnh phần cứng thế nào và công việc của họ trở nên đơn giản và tập trung hơn nên chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn là điều dễ hiểu.

Với các nhà phát triển ứng dụng Android, mọi thứ rất dễ trở nên rối tung. Họ vừa phải viết ứng dụng cho một chiếc HTC có kích thước màn hình gần bằng iPhone, vừa phải đảm bảo sản phẩm của mình hoạt động tốt với chiếc Droid của Motorola với màn hình kích thước lớn hơn và độ phân giải cao hơn. Chưa hết, nếu nói đến iPhone người ta sẽ hiểu là chỉ có màn hình cảm ứng nhưng với Android thì “trăm hoa đua nở”, có mẫu màn hình cảm ứng, có mẫu dùng bàn phím thực, trượt dọc hay trượt ngang… nhiệm vụ nặng nề của các nhà phát triển ứng dụng là đảm bảo cho tất cả các dòng máy đều sử dụng được sản phẩm của họ cho dù màn hình xoay kiểu gì. Chỉ cần bỏ quên một dòng máy nào đó, ngay lập tức họ sẽ bị người dùng la ó, viết bài chê bai trên các diễn đàn mạng… và sự nghiệp và uy tín của họ rất dễ bị tiêu tan.

Vì sao ứng dụng Android “xấu xí”?

Sự khác biệt về thương hiệu

Hãy tự hỏi mình, nếu bạn là một nhà thiết kế, phát triển ứng dụng “đẹp và tiện dụng” để bán lấy tiền, bạn sẽ chọn nơi hạ cánh cho ứng dụng là mẫu di động nào? Chắc chắn đó sẽ mẫu smartphone được nhiều người tìm mua nhất và trong tiêu chí này iPhone vẫn chưa có đối thủ.

Cuối cùng, phải khẳng định lại là không phải ứng dụng Android nào cũng xấu xí nhưng nếu xét về “chỉ số nhan sắc trung bình” chắc chắn các ứng dụng trên iOS có điểm số cao hơn.

Thứ Ba, 31/05/2011 08:18
51 👨 377
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp