Vẻ đẹp của loa 'giấy'

Được coi là những công nghệ loa của tương lai, thiết bị phát âm thanh mỏng tang như giấy cho chất lượng tốt và sự linh động trong thiết kế.

Công nghệ sản xuất loa mỏng khá đa dạng, từ tĩnh điện, plasma, đến nano, planar... Tất cả đều hướng đến mục tiêu biến những bộ loa cồng kềnh hiện nay thành thiết bị nhẹ nhàng, mỏng mảnh và dễ thích ứng với không gian hơn.

MP-C100 mỏng manh của Mirae Plasma. Hãng này cho biết họ đã dùng công nghệ plasma để tạo ra loa siêu mỏng. Ảnh: Mirae Plasma.


Trong khi loa thông thường cần sự kết hợp các driver để tạo nên hệ thống âm thanh cao-trung-trầm hoàn chỉnh, điều đáng chú ý ở loa "giấy" là mỗi thiết kế tạo dáng loa sẽ cho ra chất âm đặc trưng. Loa có bản rộng hơn thì hiệu quả âm trầm sẽ tốt hơn. Điều này khiến quy luật "càng to càng tốt" ở loa truyền thống trở thành "càng rộng càng tốt".

Họa tiết đa dạng trên các tấm loa.


Năm 2005, hãng Mirae Plasma (Hàn Quốc) công bố sản phẩm MP-C100 làm lay động người xem bởi thiết kế mỏng manh duyên dáng, chỉ dày 0,5 mm. Trên mặt "giấy" người ta vẽ hoặc in các hình ảnh, họa tiết khác nhau phù hợp với nhu cầu của chủ nhân hoặc để nguyên như những tấm ni lông trong suốt. Một bộ 2.1 có giá khoảng 40 USD.

Chiếc du thuyền biết hát.


Sự tiện dụng và tao nhã đã làm nên triển vọng ứng dụng đại trà của loa "giấy", cuốn nhiều công ty vào xu hướng này.

Năm 2007, hãng FILS công bố chiếc "du thuyền biết hát" tại Hàn Quốc, thực chất là loa 2.1 dùng chất PVDF (Poly Vinylidene Fluoride) bọc ngoài khiến loa mỏng tang như giấy, trong như kính, nhẹ như nhựa và cuộn được như vải. Ở loa thông thường, âm thanh chỉ tỏa ra theo các góc từ 60 - 120 độ, còn ở loa "giấy", chúng truyền âm thanh theo mọi hướng.

Đến 2008, các nhà nghiên cứu thuộc đại học Tsinghua của Bắc Kinh (Trung Quốc) trình diễn loa nano (carbon nanotube) có kích cỡ 8,5 x 14,5 cm, vừa bay trong gió vừa "hát" ra nhạc. Loa nano hoạt động dựa trên hiệu ứng nhiệt-âm. Dòng điện xoay chiều AC chạy qua tấm film mỏng làm từ những ống nano siêu nhỏ làm nóng phần không khí xung quanh, khiến chúng nở ra, co lại rồi tạo ra sóng âm thanh.

Loa tĩnh điện của MartinLogan. Ảnh: Amazon.


Cũng trong năm này, MartinLogan biến loa siêu mỏng thành thương phẩm trên Amazon. Sử dụng công nghệ tĩnh điện, sản phẩm có bề mặt mỏng dính. Màng loa là một tấm film mỏng với vật liệu dẫn điện trải giữa hai thanh dẫn điện gọi là "stator", được bọc bằng vật liệu cách điện. Như khi cuộn dây trong loa thông thường bị dòng điện biến thành trường điện từ, màng loa và stator này được nạp điện, tạo ra một trường tĩnh điện. Do việc nạp điện thay đổi giữa hai cực âm - dương, màng loa chuyển động tới lui và tạo ra âm thanh. Dòng điện càng mạnh thì màng loa càng rung động mạnh khiến âm thanh lớn hơn. Giá của loa tĩnh điện khá đắt, hơn 1.600 USD mỗi chiếc.

Sang năm 2009, đại học Warwick (Anh), cũng giới thiệu loại loa "giấy" chỉ mỏng 0,25 mm, mỏng hơn cả MP-C100 nhưng không trong suốt. Họ hy vọng sản phẩm sẽ xuất hiện đại trà vào cuối năm nay. Tháng 4 vừa qua, Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan cũng giới thiệu loa "tép" Flexpeaker cỡ 8,5 x 11 inch (giá 20 USD). Còn muốn nghe được âm trầm tần số thấp, người ta cần đến bản rộng hơn nhiều lần.

Thứ Tư, 06/05/2009 08:11
31 👨 344
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp