Không đầy hai tháng nữa Luật Giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực, nhưng sự hưởng ứng của doanh nghiệp dường như vẫn còn mờ nhạt. Họ muốn chờ một thời gian để nghe ngóng tín hiệu từ thị trường và để giải toả những thắc mắc về pháp lý cũng như ghi nhận sự sẵn sàng của cơ quan Nhà nước...
Doanh nghiệp chờ đợi...
Bao giờ việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ trở thành nhu cầu như "cơm ăn, nước uống" của các doanh nghiệp? |
Đối với nhiều cán bộ và nhân viên bộ phận kinh doanh của Công ty Thép miền Nam (SSC), thương mại điện tử giờ đây không còn là khái niệm xa lạ. Từ gần ba năm qua, công ty đã tham gia sàn thương mại điện tử chuyên ngành thép của châu Á để tiến hành giao dịch các hợp đồng xuất khẩu thành phẩm và nhập nguyên liệu với nhiều đối tác trong khu vực. Nhưng ở trong nước, phương tiện này mới được SSC sử dụng để trao đổi thư từ, thông tin với khách hàng và đến nay công ty vẫn chưa có ý định tiến xa hơn.
"Chúng tôi chưa có kế hoạch phát triển để tiến tới việc ký kết hợp đồng mua bán, thanh toán qua mạng do khách hàng chưa có thói quen áp dụng thương mại điện tử. Hơn nữa, thép là sản phẩm khá đặc thù buộc người mua và người bán phải tiếp xúc trực tiếp với nhau để thảo luận", ông Đặng Huy Hiệp, trưởng phòng kế hoạch - kinh doanh của Công ty Thép miền Nam nói.
Cũng như SSC, cách nay gần bốn năm Công ty Liksin đã bắt đầu tham gia đấu thầu cung cấp bao bì cho Tập đoàn P&G qua mạng, nhưng ở trong nước hệ thống mạng chủ yếu được dùng để trao đổi thư điện tử và cung cấp thông tin. Hiện Liksin đã thành lập nhóm nghiên cứu khả năng ứng dụng thương mại điện tử sau khi Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực, nhưng do lãnh đạo công ty chưa tập trung thúc đẩy nên tình hình tiến triển rất chậm chạp. Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sang nói: "Chúng tôi chưa thúc đẩy vì còn muốn thăm dò tín hiệu từ thị trường. Ngoài ra, tôi cũng còn lúng túng, chưa biết phải bắt đầu tiến hành như thế nào".
Mặc dù thương mại điện tử đã đuợc đề cập rất nhiều trong mấy năm gần đây, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức, nhưng cách thức thực hiện cụ thể như thế nào thì vẫn còn là ẩn số đối với số đông doanh nghiệp. Ông Nguyễn Phước Loan, Giám đốc sàn giao dịch thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp (B2B) thuonghieuviet.com cho biết ông đã tiến hành thăm dò 400 doanh nghiệp ở bốn địa phương khác nhau, trong đó có 100 doanh nghiệp ở TP.HCM. và các kết quả đều cho thấy là không một ai biết giao dịch. Cho đến nay, sàn giao dịch này thu hút được tới 7.200 doanh nghiệp tham gia, nhưng theo ông Loan: "Chưa có đơn vị nào thực sự thực hiện các giao dịch qua mạng. Họ tham gia chủ yếu là để tìm hiểu và khai thác thông tin".
Cần có một hành lang pháp lý rõ ràng
Những năm qua, các tổ chức và công ty cho ra đời khá nhiều sàn B2B, vừa để tạo môi trường cho các doanh nghiệp tiếp cận nhau, vừa cung cấp dịch vụ tư vấn cho những đơn vị muốn tiếp cận thương mại điện tử. Nhưng theo chủ sở hữu của một số sàn giao dịch, số người quan tâm và muốn phát triển loại hình thương mại này thông qua họ, kể từ khi Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua, cho đến nay gần như là con số không.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc công ty G.O.L, cho rằng hầu hết doanh nghiệp Việt Nam còn "sợ" giao dịch, mua bán qua mạng. Hơn nữa, dù luật đã có, nhưng hành lang pháp lý cho hoạt động này vẫn chưa rõ ràng. Do vậy, tâm lý chung của doanh nghiệp hiện nay là chờ văn bản hướng dẫn dưới luật, với hy vọng sẽ giải toả được phần nào những vấn đề vốn đang là trở ngại cho sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam. Chẳng hạn, hệ thống ngân hàng có chấp nhận hình thức thanh toán điện tử hay không; các văn bản giao dịch, chứng từ, hoá đơn điện tử như chứng cứ có giá trị pháp lý khi giải quyết tranh chấp hay không... Thêm vào đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu công chứng các loại hợp đồng, chứng từ điện tử thì có thực hiện được hay không và cơ quan có trách nhiệm sẽ tiếp nhận và giải quyết như thế nào, đối tượng và phạm vi áp dụng tới đâu...
Bên cạnh các yếu tố thuộc hành lang pháp lý kể trên, điều khiển các doanh nghiệp lo ngại nhất khi tiếp cận thương mại điện tử là vấn đề an toàn và bảo mật, đặc biệt là trong việc thanh toán. Điều này có thể phát sinh những tranh chấp khó xử lý. Ông Dũng nêu ra một ví dụ: "Nếu hacker tấn công hệ thống mạng và sửa đổi toàn bộ nội dung hợp đồng giữa các doanh nghiệp, làm nảy sinh tranh chấp giữa đôi bên, thì toà án sẽ dựa vào chứng lý nào để xử lý? Liệu cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp, để khi tình huống ấy xảy ra, vẫn có đủ thông tin làm cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp hay không?".
Cho đến nay, Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điên tử còn đang được Bộ Thương mại đưa ra lấy ý kiến để hoàn chỉnh. Sau khi có Nghị định, sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để các bộ, ngành ban hành thông tư hướng dẫn và ít có khả năng những văn bản này sẽ có đầy đủ trước thời điểm luật có hiệu lực vào 1/3/2006. Dù sao, giải quyết vấn đề hành lang pháp lý cũng không khó bằng việc bảo đảm tính sẵn sàng nơi các cơ quan hành pháp và tư pháp. "Thương mại điện tử đòi hỏi một sự phối hợp đồng bộ giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, bằng không sẽ không thực hiện được", giám đốc một doanh nghiệp khẳng định.
Hiện nay, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn có sự khác biệt lớn giữa cơ quan Nhà nước tại các thành phố, trung tâm đô thị và các tỉnh, nhất là các tỉnh xa. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở những địa phương có trình độ phát triển khá, mà trải rộng trên cả nước. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhân viên quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hay nhân viên hải quan cửa khẩu tại một tỉnh biên giới nào đó không chấp nhận các hợp đồng, hoá đơn, chứng từ điện tử mà vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình những giấy tờ có đóng dấu đỏ mới cho hàng hoá đi qua chốt kiểm soát của mình?
Theo một số nhà điều hành các sàn giao dịch thương mại điện tử, hiện không có nhiều hy vọng Luật Giao dịch điện tử sẽ tạo ra sự thay đổi đột biến nào về thị trường. Tuy nhiên, việc xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp dần dần vượt qua tâm lý lo ngại giao dịch trên mạng, tạo nền tảng cho thương mại điện tử phát triển mạnh hơn trong những năm sau. "Điều quan trọng trước mắt là tạo thói quen và làm cho doanh nghiệp không ngại giao dịch qua mạng. Đó cũng là mục tiêu của chúng tôi khi lập ra sàn gioa dịch thuonghieuviet.com", ông Nguyễn Phước Loan nói. Việc có hàng ngàn đơn vị tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử cho thấy phương thức này đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Đó cũng là tín hiệu lạc quan về triển vọng phát triển thương mại điện tử trong tương lai gần.