TSMC đã có giấy phép cung ứng chip cho Huawei, nhưng đi kèm với điều khoản 'dở khóc dở cười'

Như đã đưa tin, vào tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết yêu cầu các công ty nước ngoài phải có giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ trước khi họ có thể cung cấp chip cho Huawei hoặc bất kỳ công ty con nào của Huawei như HiSilicon - doanh nghiệp vốn phụ thuộc khá nhiều vào các thỏa thuận hợp tác với nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để chế tạo chip xử lý.

Nói cách khác, để hợp tác kinh doanh với Huawei, các công ty phải nhận được sự chấp thuận đặc biệt của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Một số tên tuổi lớn trong ngành như Qualcomm, MediaTek hay chính TSMC buộc phải tiến hành các chiến dịch “vận động hành lang” để có được giấy phép đặc biệt này.

Sau hơn 2 tháng nỗ lực, tập đoàn bán dẫn khổng lồ đến từ Đài Loan được cho là đã nắm trong tay giấy phép tiếp tục cung ứng chip cho Huawei. Tuy nhiên, giấy phép này lại đi kèm với một điều khoản khiển cả TSMC và Huawei lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Cụ thể theo báo cáo của sina.com (thông qua PhoneArena), giấy phép mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ cấp cho TSMC đề cập đến việc chỉ cho phép TSMC cung ứng cho Huawei các sản phẩm được chế tạo trên những quy trình cũ, hoặc thậm chí gần như đã lỗi thời (mature process nodes). Nói theo cách dễ hiểu hơn, các công nghệ, dây chuyền bán dẫn mới của TSMC sẽ không nằm trong hạng mục được cấp phép cung ứng cho Huawei. Nhìn từ góc độ này, các quy trình cũ như 28nm hoặc thậm chí cao hơn được cho là sẽ xuất hiện trong danh sách.

Nếu thông tin này là thật, đó thực sự là một tin xấu cho Huawei vì tất cả dòng chip hiện đại ngày nay đều đã được phát triển trên quy trình 10nm, 7nm hay thậm chí 5nm, việc sử dụng lại các sản phẩm từ những quy trình cũ rõ ràng là một động thái “tự bắn vào chân mình”.

Huawei vẫn đang gặp khó trong việc tìm nguồn cung chip xử lý
Huawei vẫn đang gặp khó trong việc tìm nguồn cung chip xử lý

Với việc các model thuộc dòng Mate 40 series sẽ chính thức ra mắt trong tháng này, có thể hiểu Huawei đã dự trữ đủ số lượng chip Kirin 9000 SoC cần thiết để phục vụ các kế hoạch ngắn hạn. Nhưng làm thế nào để nhà sản xuất smartphone Trung Quốc kiếm được nguồn chung chip xử lý cần thiết về lâu dài là một câu hỏi lớn, trong bối cảnh kho dự trữ dần cạn kiệt mà nguồn cung mới lại gần như không thể sử dụng được.

Ở phía đối diện, TSMC đương nhiên cũng chẳng vui vẻ gì. Báo cáo tài chính gần đây cho biết doanh thu của nhà sản xuất bán dẫn Đài Loan là 84,488 tỷ nhân dân tệ (73,9 triệu USD), phá vỡ kỷ lục quý 4 năm ngoái, điều này là do công ty đã thắng lớn trong các gói thầu cung ứng chip cho Apple. Tuy nhiên mức tăng trưởng này được dự báo sẽ sớm biến mất bởi TSMC cũng đang đứng trước nguy cơ đánh mất thỏa thuận hợp tác với Huawei - một trong những khách hàng lớn nhất của mình.

Trước đó, đã có không ít tin đồn cho rằng TSMC đồng ý xây dựng nhà máy ở Arizona, Mỹ, để mong đổi lại một điều gì đó từ chính quyền Trump. Tuy nhiên, kịch bản này được cho là khó có thể xảy ra.

Thứ Hai, 12/10/2020 15:03
31 👨 267
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ