Việc các cơ quan công quyền, chính phủ một số quốc gia ngừng sử dụng Windows và chuyển sang các nền tảng do chính mình tự phát triển không phải là điều quá mới mẻ. Tuy nhiên xu hướng này chỉ thực sự nhận được nhiều sự quan tâm khi nó xuất hiện ở quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là thị trường lớn nhất của Microsoft.
Cụ thể theo một báo cáo mới từ Bloomberg, các cơ quan chính phủ trung ương và tập đoàn quốc doanh Trung Quốc mới đây đã được lệnh thay thế tất cả PC mang nhãn hiệu nước ngoài cùng hệ điều hành liên quan bằng sản phẩm nội địa, được sản xuất và bảo trì trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc Windows sẽ được thay thế bằng các nền tảng tự phát triển trong nước dựa trên Linux. Toàn bộ quá trình sẽ phải hoàn tất trong vòng hai năm.
Như vậy theo ước tính, sẽ có ít nhất 50 triệu máy tính cá nhân trong các cơ quan (chỉ tính riêng ở cấp trung ương) cần phải được thay thế. Chiến dịch cũng sẽ được kéo dài đến chính quyền cấp tỉnh trong thời gian tới - một khối lượng công việc khổng lồ.
Đây là động thái thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Bắc Kinh trong việc loại bỏ các yếu tố “nước ngoài” ra khỏi quy trình làm việc của các cơ quan công quyền của đất nước, điều vốn đã được nhắc tới từ lâu.
Về mặt phần cứng, hàng loạt nhà sản xuất PC nước ngoài lớn trên thị trường đại lục, bao gồm Dell và HP, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quyết định trên. Mặt khác, một số nhà sản xuất PC như Lenovo ,cũng như các đơn vị cung cấp phần mềm và phần cứng nội địa khác như Kingsoft Corp hay Inspur Electronic Information Industry Co sẽ là những đối tượng trực tiếp hưởng lợi.
Tuy nhiên, chỉ thị mới nhất của chính quyền trung ương Trung Quốc có thể chỉ tập trung vào các nhà sản xuất PC và chương trình phần mềm, không bao gồm những thành phần phần cứng “khó thay thế”, như CPU và GPU, do các công ty nước ngoài sản xuất. Về cơ bản, Trung Quốc muốn khuyến khích chương trình làm việc dựa trên hệ điều hành tự phát triển để thay thế Windows, qua đó có được khả năng quản lý đồng bộ và tập trung hơn.