Đầu tuần này, có thông tin cho rằng Google thừa nhận trợ lý ảo Google Assistant đã ghi lại giọng nói của người dùng ngay cả khi nó không được kích hoạt bằng từ khóa "Ok Google".
Theo IndiaToday, trong phiên điều trần với một hội đồng chính phủ Ấn Độ, Google đã thừa nhận trợ lý AI của họ trên smartphone hoặc loa thông minh đôi khi ghi lại giọng nói của người dùng ngay cả khi không được triệu hồi.
Khi được hỏi về vấn đề này, một đại điện của Google trả lời như sau: "Do đây là một phiên điều trần kín nên chúng tôi không thể bình luận về các câu chuyện được chia sẻ bởi các nguồn giấu tên. Tuy nhiên, tôi có thể chia sẻ tất cả các chi tiết để giúp các bạn hiểu hơn về cách hoạt động của Google Assistant. Mong rằng điều này sẽ giúp làm rõ mọi nghi ngờ mà bạn có.
Google Assistant ở chế độ chờ cho đến khi được người dùng kích hoạt. Khi ở chế độ chờ, Assistant sẽ nghe các đoạn âm thanh ngắn (khoảng vài giây) để phát hiện câu lệnh kích hoạt, ví dụ khi bạn nói Hey Google. Nếu không phát hiện lệnh kích hoạt, các đoạn âm thanh đó sẽ không được gửi hoặc lưu vào Google.
Ngoài ra, khi Assistant phát hiện lệnh kích hoạt, bản ghi âm cuộc giao tiếp sau đó giữa người dùng và trợ lý AI có thể bao gồm cả một vài giây âm thanh trước khi kích hoạt. Đây là điều cần thiết để Google Assistant có thể bắt kịp yêu cầu của bạn đúng thời điểm".
Về vấn đề các nhân viên của họ sẽ nghe những bản ghi âm cuộc trò chuyện giữa người dùng và Google Assistant phía Google không hề phủ nhận. Thậm chí, gã khổng lồ tìm kiếm còn từng đưa ra những giải thích khá cặn kẽ.
Theo Google, họ cho nhân viên nghe các đoạn ghi âm cuộc trò chuyện gữa người dùng và trợ lý ảo AI để cải thiện công nghệ nhận dạng giọng nói với các ngôn ngữ khác nhau. Để đảm bảo quyền riêng tư, Google cho biết nhân viên chỉ được nghe một đoạn hội thọa ngắn và không được nghe những cuộc trò chuyện nhạy cảm.
Tuy nhiên, Google không thông tin rõ về cách họ phân biệt giữa cuộc trò chuyện bình thường và cuộc trò chuyện nhạy cảm. Trong năm 2019, một nhân viên đánh giá ngôn ngữ của Google đã rò rỉ dữ liệu âm thanh bí mật cho một tờ báo của Bỉ.
Dù sao thì việc Google thu thập dữ liệu của người dùng cũng không còn xa lạ gì. Mặc dù gã khổng lồ tìm kiếm luôn nói rằng việc thu thập dữ liệu là để phục vụ cho mục đích cải tiến công nghệ, nâng cao trải nghiệm nhưng người dùng cũng nên cẩn thận trong việc chia sẻ thông tin. Bạn luôn có thể xóa những đoạn hội thoại giữa bạn và trợ lý ảo Google Assistant vào bất cứ lúc nào bạn muốn.