Chúng ta đã thấy trí tuệ nhân tạo (AI) chiến thắng những chuyên gia về cờ vua, cờ vây và StarCraft II. Nhưng liệu nó có thể đánh bại một phi công tiêm kích giàu kinh nghiệm trong một cuộc không chiến tay đôi hay không?
Để trả lời câu hỏi này, Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Mỹ đã tổ chức một cuộc thi tác chiến trên không dành cho AI có tên AlphaDogfight Trials. Cuộc thi này diễn ra trong cả năm 2019 và cũng mới kết thúc hồi tháng trước.
DARPA hy vọng cuộc thi này có thể giúp họ tìm hiểu xem liệu AI có thể hỗ trợ các phi công hay không. Bên cạnh đó, DARPA cũng muốn thu hút các nhà phát triển tham gia chương trình Air Combat Evolution (ACE) của họ. Trước khi có thể xuất hiện trong buồng lái của máy bay chiến đấu, AI cần phải chiếm được lòng tin của các phi công tiêm kích trước đã.
"Các phi công tiêm kích tin tưởng vào những thứ có hiệu quả và cuộc thi này sẽ đặt nền móng đầu tiên cho niềm tin giữa phi công và AI", giám đốc chương trình ACE, Đại tá Dan "Animal" Javorsek chia sẻ.
Có 8 đội tham gia và đội giành chiến thắng cuối cùng là Heron Systems. Hệ thống AI lái máy bay chiến đấu mà Heron Systems phát triển sử dụng thuật toán học tăng cường sâu. Điều này, giúp AI cải thiện khả năng ra quyết định bằng các thử nghiệm những phương pháp tiếp cận khác nhau và cho AI tự học từ những sai lầm của nó.
Cuối tháng 8, AI của Heron phải đối mặt với một thử thách cuối cùng: không chiến tay đôi với một phi công lái máy bay tiêm kích F-16 giàu kinh nghiệm của Không quân Mỹ. Phi công này có biệt danh là "Banger" và anh sẽ đấu với AI của Heron trong môi trường VR và cả hai bên chỉ sử dụng súng máy gắn ở đầu máy bay.
Trái với dự đoán của nhiều người, cuộc chiến giữa AI Heron và Banger không cân sức cho lắm. Heron nhanh chóng dẫn trước 4-0 và buộc Banger phải thay đổi chiến thuật.
"Những thứ chuẩn mực mà phi công máy bay chiến đấu chúng tôi thường làm không có tác dụng trong cuộc chiến này, vì thế trong lượt cuối tôi sẽ thay đổi chiến thuật một chút xem có thể làm điều gì đó khác biệt hay không", Banger chia sẻ.
Banger đẩy chiếc máy bay chiến đấu của mình tới mốc 9Gs - gấp 9 lần lực hấp dẫn - đạt tốc độ hơn 800 km/h sau đó thả cho máy bay rơi từ độ cao gần 4.000 km để dụ Heron xuống gần mặt đất. Kế hoạch của Banger gần như đã thành công khi Heron không thể hạ súng đủ thấp để bắn.
Nhưng chỉ một lát sau, Heron đã nhắm được vào đuôi của Banger và tiếp tục "sấy" cho tới khi tiêu diệt mục tiêu.
Chiến thắng tuyệt đối của AI trong môi trường mô phỏng này không đồng nghĩa với việc nó có thể tiêu diệt các phi công tiêm kích ở ngoài đời thực. Theo các chuyên gia, trong môi trường mô phỏng, AI nắm được tất cả mọi yếu tố có thể ảnh hưởng tới hoạt động của máy bay tiêm kích. Tuy nhiên, điều này không tồn tại trong điều kiện thực tế.
Cuộc thi cũng sử dụng mô hình chiến trường đã lỗi thời. Các trận không chiến hiện tại ít diễn ra hơn và nếu có thì sẽ sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại hơn.
Bạn có thể xem màn không chiến tay đôi giữa AI Heron và phi công Banger tại đây (bắt đầu từ thời điểm 4:40:00):
Mỹ lên kế hoạch cho AI đấu với phi công tiêm kích ngoài đời thực
Sau cuộc thi gần 1 tháng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tuyên bố rằng trong năm 2024 họ sẽ tổ chức một cuộc không chiến tay đôi giữa AI và phi công tiêm kích ngoài đời thực.
"AI sẽ đóng vai trò hỗ trợ khả năng ra quyết định của con người chứ không thể thay thế được. Chúng tôi coi AI là một công cụ để giải phóng tài nguyên, thời gian và nhân lực giúp những con người của chúng tôi có thể tập trung vào những nhiệm vụ được ưu tiên cao hơn. Cho dù trong phòng thí nghiệm hay trên chiến trường, chúng tôi muốn sự hỗ trợ của AI sẽ giúp chúng tôi nhanh hơn và chính xác hơn so với đối thủ", ông Esper tuyên bố.