Lật tẩy nhiều trường hợp ăn cắp thẻ tín dụng để mua vé máy bay bán lại, hay làm giả thẻ ATM, lừa đảo qua chat..., nhưng so với thực tế, tỷ lệ phát hiện tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam vẫn rất ít.
Quan điểm trên được đại diện phòng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khu vực phía Nam chia sẻ trong hội thảo "Quy hoạch an toàn thông tin số quốc gia - con đường phía trước", hôm 18/11.
"Đây là loại tội phạm mới, có đặc thù riêng, rất khó phát hiện và xử lý dấu vết, chứng cứ. Không chỉ riêng ở TP HCM và cả nước thì tỷ lệ phát hiện còn rất ít so với thực tế, ít hơn nhiều so với các loại tội phạm khác", thượng tá Phan Mạnh Trường, Trưởng phòng phòng chống chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khu vực phía Nam, phát biểu.
Trong năm 2009, có 10 trường hợp làm giả thẻ ATM bị bắt, đầu năm 2010 phát hiện 5 thủ phạm ăn cắp thông tin thẻ tín dụng ở nước ngoài rồi mua vé máy bay bán lại, trong đó kẻ cầm đầu có lúc mua đến 200 vé máy bay của Vietnam Airlines, tổng số tiền lừa đảo với nhiều hình thức lên đến 2 tỷ đồng.
"Một số đã được tại ngoại, có những người đang bị khởi tố điều tra", ông Trường nói.
Tội phạm mạng rất khó phát hiện. (Ảnh minh họa: Kiên Cường).
Năm nay, tại khu vực phía Nam cũng ghi nhận tình trạng lừa đảo bằng cách chat, gửi quà từ nước ngoài về rồi yêu cầu người nhận đóng tiền hải quan lên đến cả trăm triệu đồng. Đó chỉ là một trong những trường hợp được phát hiện của loại tội phạm mạng này.
Nói về thực tế lừa đảo bằng công nghệ cao, ông Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc ngân hàng Vietinbank, cũng cho biết tội phạm có thể chỉ mất 30 phút để vừa gắn và gỡ các thiết bị theo dõi thông tin tài khoản, mật khẩu của khách hàng sử dụng máy ATM. "Cho đến nay, vẫn chưa bắt được trường hợp nào. Khi nhân viên ngân hàng đến thì họ cao chạy xa bay", ông Tuấn phân tích.
Xu hướng của tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam đã chuyển dần từ phá hoại sang trục lợi một cách tinh vi. "Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về mức độ rủi ro khi người dân dùng mạng tin học, tăng một bậc so với năm ngoái", ông Trịnh Ngọc Minh, Phó chủ tịch hiệp hội an toàn thông tin phía Nam, thừa nhận.
Mức độ rủi ro năm sau tăng hơn năm trước là minh chứng cho hiện trạng an toàn thông tin ở Việt Nam, minh chứng rõ nét nhất cho điều này đến từ ý thức của người dân và doanh nghiệp. Trong một cuộc khảo sát vừa qua của Hiệp hội an toàn thông tin phía Nam tại 300 doanh nghiệp ở TP HCM, kết quả 65% số doanh nghiệp trên trả lời: không tuân thủ theo các tiêu chuẩn an toàn thông tin quốc tế (tăng 18% so với năm ngoái).
Cuộc khảo sát cũng cho biết, so với năm ngoái động cơ tấn công để thu lợi bất chính tăng gấp 3 lần, người đã nghỉ việc "tấn công" lại thông tin nội bộ tăng gấp 2 lần, cho thấy việc quản lý lỏng lẻo của các công ty. Nhưng nguy hiểm hơn khi đến 2/3 số doanh nghiệp trên không có hoặc không biết có hay không quy trình phản ứng lại các cuộc tấn công máy tính.
"Xâm phạm thông tin, thiệt hại ngày càng lớn hơn. Nhận thức của người dân về an toàn mạng và an toàn thông tin chưa tốt lắm", Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP HCM Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận.
Trước hiện trạng trên, theo nhiều chuyên gia, cần những biện pháp cấp bách để đối phó với tội phạm tin học và nâng cao vấn đề an toàn thông tin. "Chúng tôi rất muốn thành lập trung tâm 113 - ứng cứu sự cố máy tính tại TP HCM", ông Minh góp ý.
Hiện nay mỗi năm chi phí đầu tư cho an toàn thông tin cho các cơ sở chiếm khoảng 20 tỷ đồng, trong năm sau sẽ cố gắng tăng thêm con số này, đại diện Sở Thông tin Truyền thông đưa ra một giải pháp tài chính.
Gần 30 triệu người Việt Nam dùng Internet. Trong 3 tháng đầu năm 2010 , trên 300 website của các cá nhân và tổ chức có tên miền .vn bị hacker nước ngoài tấn công và thăm dò, 150.000 máy tính bị nhiễm virus và Trojan. Năm 2009, Việt Nam có hơn 1.000 website bị hacker tấn công. Năm 2009, chỉ tính riêng hơn 40 vụ án công nghệ cao bị phanh phui, thiệt hại mà loại tội phạm này gây ra đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. |