Các kỹ sư ở Đại học Washington (Mỹ) đã xây dựng một hệ thống liên lạc không dây cho phép các thiết bị như smartphone có thể tương tác với nhau mà không cần phụ thuộc vào pin hay nguồn điện.
Công nghệ này, được gọi là "Ambient Backscatter" (tán xạ ngược bao quanh), tận dụng sóng TV và di động để giúp một mạng lưới thiết bị và cảm biến có thể trao đổi thông tin với nhau mà không cần nguồn điện.
Sử dụng Ambient Backscatter, các thiết bị này có thể tương tác với nhau mà không cần pin. Chúng trao đổi thông tin bằng cách phản xạ hoặc hấp thụ các sóng radio đang tồn tại.
Để mô phỏng, nhóm nghiên cứu đã xây dựng những thiết bị nhỏ, mỏng và không chứa pin nhưng có ăng-ten để dò, khai thác và phản xạ tín hiệu TV.
Các thiết bị này đang được thử nghiệm tại Seattle (Mỹ) trong nhiều tình huống khác nhau như bên trong một căn hộ cao tầng, trên phố hay tại một bãi đỗ xe... tức cách tháp truyền hình nào đó khoảng 1 cho đến 11 km. Họ nhận ra rằng thiết bị vẫn có thể liên lạc với tốc độ khoảng 1-2,5 Kb/giây ngay cả khi cách xa tháp truyền hình, đủ để gửi dữ liệu như tin nhắn, danh bạ...
Joshua Smith, Phó giáo sư về khoa học máy tính và là đồng tác giả nghiên cứu, cho hay ứng dụng công nghệ này là vô hạn. Họ có thể đưa hệ thống này vào các thiết bị đang quá phụ thuộc vào pin như smartphone. Nó sẽ được cấu hình để khi cạn pin, điện thoại vẫn có thể gửi tin nhắn, e-mail... nhờ tận dụng tín hiệu từ TV.
Các cảm biến thông minh cũng có thể được thiết lập và đặt vĩnh viễn trong bất cứ kiến trúc nào, như trong một cây cầu để đánh giá độ bền của bê tông và sắt. Công trình được công bố tại hội thảo Special Interest Group on Data Communication 2013, diễn ra ở Hong Kong ngày 13/8 và được trao giải xuất sắc.