Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ thuộc hàng cao nhất thế giới, đặt tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), thiết kế sẽ mang bản sắc Việt Nam và dự kiến hoàn thành năm 2020.
Theo tin đăng trên báo điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp cho ý kiến về chủ trương nghiên cứu hợp tác đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.
Dự án tháp Truyền hình có tầm cỡ quốc tế và thuộc vào loại cao nhất trên thế giới, có tính chất đặc thù, vì thế, trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện đầu tư cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định về vốn đầu tư, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu nhằm đạt được hiệu quả tối ưu của dự án.
Bài báo nêu rõ, Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn dự án khẩn trương xây dựng dự án tiền khả thi, trong đó cần làm rõ phương án huy động vốn, thời gian thu hồi vốn, hiệu quả của dự án và những nội dung liên quan khác. Dự kiến, tháp Truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây.
Tháp truyền hình cao nhất thế giới Tokyo Skytree. Nhà thiết kế tháp truyền hình này cũng sẽ thiết kế Tháp Truyền hình Việt Nam.
Trước đó, vào đầu tháng 9/2014, báo Thanh niên đưa tin Đài truyền hình Việt Nam dự kiến tháp truyền hình sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đài cũng đã ký hợp đồng với nhà thầu tư vấn thiết kế Nhật Bản Niken Sekkei - nhà tư vấn thiết kế cho tháp truyền hình Skytree cao nhất thế giới. Ông Shigeru Yoshino - kiến trúc sư trưởng của Niken Sekkei sẽ là người phụ trách tư vấn thiết kế tháp truyền hình Việt Nam. Ông đưa ra ý tưởng đưa những nét văn hóa riêng biệt của Việt Nam vào thiết kế, hài hòa với không gian xung quanh là vùng đất trồng chưa được khai thác.
Thông tin chi tiết về về quy mô, độ cao và công nghệ của Tháp cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Theo Wikipedia, danh hiệu tháp truyền hình (loại con người có thể ra vào thường xuyên nhưng không phải để sinh sống hoặc làm văn phòng) cao nhất thuộc về Tokyo Skytree (Nhật Bản), cao 634m, hoàn thành năm 2012. Trong số top 10 tháp truyền hình cao nhất, có đến 5 tháp là của Trung Quốc, độ cao đều từ 400m trở lên.
Do vậy, nếu Tháp Truyền hình Việt Nam cao thuộc dạng hàng đầu thế giới thì độ cao của nó cũng phải từ 400m trở lên.
Các tháp truyền hình thường được xây dựng để sử dụng độ cao của chúng vào nhiều mục đích khác nhau. Một số công dụng phổ biến nhất là phục vụ cho truyền thông và đón khách vãn cảnh từ trên cao. Hiện tại, ở Hà Nội có một số tòa nhà chọc trời đưa dịch vụ ngắm cảnh từ trên cao như Lotte, Keangnam nhưng độ cao chưa quá 350m.
Theo báo điện tử Chính phủ, Tháp Truyền hình Việt Nam là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam. Việc tháp truyền hình này được xây dựng dự kiến sẽ đem lại những ảnh hưởng to lớn với du lịch, đầu tư và xã hội của những khu vực lân cận, cũng như điểm nhấn quan trọng về kiến trúc của Thủ đô Hà Nội.