3D hứa hẹn là công nghệ hình ảnh chủ chốt của năm 2010 và tương lai. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn cho sự phát triển của công nghệ này.
Các nhà sản xuất TV lớn trên thế giới đều hứa hẹn sẽ tung ra các mẫu 3D TV đầu tiên vào giữa năm 2010, các thế hệ đầu đĩa 3D Blu-ray cũng đã được công bố, hệ thống máy chơi game PS3 đình đám của Sony rồi sẽ chạy được các nội dung 3D. Vậy có phải 3D sẽ sớm trở thành một xu hướng mới trong việc giải trí?
Điều này chỉ diễn ra sớm khi 3D giải quyết được những khó khăn trước mắt dưới đây.
"Avatar" liệu có làm cho mọi người cuốn hút với công nghệ hình ảnh 3D. Ảnh: Cnetasia. |
Thiếu nội dung
Chưa có một làn sóng đầu tư ồ ạt vào các bộ phim 3D đến từ các nhà sản xuất Hollywood. Thật sự, những bộ phim 3D mà bạn có thể xem hiện tại "hầu hết" đều là những bộ phim được làm lại. Toy Story và Toy Story 2 dẫn đầu cho xu hướng chuyển nội dung từ 2D lên 3D của các nhà sản xuất phim Hollywood. Việc đầu tư vào một bộ phim 3D sẽ tiêu tốn nguồn kinh phí khổng lồ, thời gian làm việc tốn kém. Chính vì vậy, các nhà sản xuất phim sẽ không dám mạo hiểm quá nhiều cho những bộ phim mới của mình. Số lượng phim 3D từ trước đến giờ vẫn ở mức hạn chế so với kho tàng điện ảnh đồ sộ của thế giới. Chất lượng của chúng cũng không cao, dựa trên công nghệ sản xuất cũ bởi vậy sẽ khó lòng thỏa mãn những người muốn tận hưởng "điều kỳ diệu" của hình ảnh 3 chiều.
Trong khi đó, việc lên sóng của các kênh truyền hình 3D trong năm nay vẫn chỉ dừng lại ở mức tin đồn khi chưa có một nhà đài nào lên kế hoạch phát sóng cụ thể. Sẽ có một vài chương trình, một số môn thể thao "thử nghiệm" với công nghệ truyền hình 3D. Như vậy, nguồn nội dung dành cho người xem sẽ ở tình trạng khan hiếm.
Đợi chờ việc "nâng cấp" lên 3D
Trong khi nhà sản xuất TV là nhanh chân nhất với công nghệ 3D thì các thiết bi đa phương tiện khác hỗ trợ công nghệ này lại khiến cho người quan tâm phải sốt ruột. Các thế hệ TV 3D của Sony, Panasonic đầu tiên sẽ lần lượt được bày bán rộng rãi vào khoảng giữa năm 2010. Tuy nhiên, giá thành lại là một vấn đề lớn đối với người sử dụng. Phần lớn mọi người đã bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào hệ thống giải trí HD bao gồm một màn hình lớn với độ phân giải cao cùng với thiết bị Blu-ray với tổng chi phi lên tới hàng ngàn USD. Nếu như được hỏi liệu họ có muốn thay đổi hệ thống giải trí đang dùng của mình bằng một hệ thống giải trí 3D "sơ khai" với số tiền bù thêm vào không phải là ít. Chắc chắn hầu hết sẽ chọn câu trả lời là "không" trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Như vậy, công nghệ 3D sẽ cần thời gian để điều chỉnh về một mức giá hợp lý và trở nên phổ cập, khi niềm mơ ước có thể được đáp ứng bởi khả năng kinh tế.
Hiện tại và trong tương lai gần, việc lựa chọn giải trí bằng những thiết bị công nghệ phân giải cao (như HDTV, Home theater Blu-ray, đầu Blu-ray) vẫn sẽ là sự lựa chọn hàng đầu khi xét về yếu tố giá cả và chất lượng.
Chuyện của những chiếc kính
Công nghệ hình ảnh 3 chiều đã có từ những năm 50 hay 80 thế kỷ trước. Nhưng kể từ đó cho đến nay, muốn xem được những hình ảnh "nổi" đó vẫn cần đến những chiếc kính chuyên dụng. Bạn có thể cảm thấy thoải mái khi đeo kính từ 2 đến 3 giờ để thưởng thức siêu phẩm "Avatar", nhưng thử hỏi xem, bạn sẽ tiếp tục thoải mái với chiếc kính đó được bao lâu khi xem những show truyền hình, như American Idol, hò reo cổ vũ một trận bóng đá sôi nổi? Chắc hẳn là không rồi.
Bạn hy vọng một ngày sẽ xem được các hình ảnh 3D từ chiếc TV của mình mà chẳng phải đeo bất kỳ cái gì lên mắt cả. Đúng là các nhà sản xuất đã phát triển những chiếc TV 3D mà không cần kính. Những đó chỉ là những sản phẩm thử nghiệm, chưa có thông báo chính thức nào là sẽ áp dụng cả. Hơn nửa, sản phẩm demo vẫn còn đầy hạn chế, như chỉ thấy hình ảnh 3D rõ ràng ở một góc nhìn cố định, hình ảnh không thực sự mượt mà... Rõ ràng, chuyện "vứt bỏ" kính là của tương lai rất xa. Trong khi con người luôn mong muốn việc giải trí của mình thật thư giản và thoải mái.
Game thủ sẽ là những người chào đón công nghệ 3D nồng nhiệt nhất. Ảnh: Cnet. |
Vậy những khó khăn đó có làm cho công cuộc "3D hóa" hình ảnh thất bại?
Việc thay đổi hình ảnh hai chiều thành 3 chiều không thể thực hiện được một cách nhanh chóng. Để có thể thành công trong những bước đi đầu tiên của mình có lẽ thay vì mong muốn phổ cập sản phẩm ra thành một xu hướng, nhà sản xuất hãy chú trọng tới việc áp dụng công nghệ 3 chiều này cho giới game thủ, những người luôn đòi hỏi những công nghệ mới, với nguồn nội dung game phong phú và đeo thêm một chiếc kính cũng không phải là trở ngại khi những người đó có cả đống phụ kiện cồng kềnh (chuột, gamepad, tai nghe...).