Tại sao các cuộc tấn công lừa đảo đã, đang và sẽ luôn là mối đe dọa trên internet?

Tấn công lừa đảo đã, đang và thậm chí sẽ luôn là mối đe dọa thường trực trong thế giới trực tuyến - bất chấp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp bảo mật tiên tiến. Tại sao lại như vậy?

Tấn công lừa đảo là gì?

Phishing attack (tấn công giả mạo, tấn công lừa đảo) có lẽ là thuật ngữ không lấy gì làm xa lạ với đa số người dùng internet. Trên thực tế, đây cũng là một trong những hình thức tấn công mạng phổ biến nhất, lâu đời nhất, nhưng chưa bao giờ tỏ ra kém hiệu quả. Thậm chí, sự tinh vi của các hình thức tấn công lừa đảo còn phát triển song hành với thế giới trực tuyến.

Về cơ bản, tấn công lừa đảo hướng đến việc triển khai các hoạt động ác ý nhằm lấy cắp những thông tin nhạy cảm như tên người dùng, mật khẩu và các chi tiết thẻ tín dụng bằng cách giả dạng thành một chủ thể tin cậy trong một giao dịch, tương tác điện tử, chủ yếu thông qua internet.

Phishing attack

Hình thức tấn công lừa đảo thường được các tác nhân độc hại sử dụng để lừa nạn nhân của mình đó là gửi đi các email giả mạo với tệp đính kèm có chứa phần mềm độc hại, hoặc liên kết chuyển hướng đến các trang web độc hại. Tin tặc sẽ cố gắng sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để đánh lừa người dùng download tệp đính kèm hoặc nhấp vào liên kết độc hại rồi qua đó lây nhiễm mã độc vào máy tính của họ.

Tệp đính kèm chứa email độc hại này có thể được giả mạo thành bất cứ thứ gì để đánh lừa nạn nhân, từ các tài liệu quan trọng của công ty trong môi trường doanh nghiệp, đến thông báo gửi bưu kiện, giành giải thưởng hoặc thậm chí là một lời đe dọa giả mạo về lệnh triệu tập của tòa án.

Đối với trường hợp liên kết độc hại. Các email, tin nhắn lừa đảo cũng sẽ được thiết kế cực kỳ tinh vi, khiến nạn nhân không nghi ngờ gì mà nhấp ngay vào liên kết độc hại đính kèm. Liên kết này sau đó sẽ chuyển hướng người dùng đến một trang được thiết kế để lấy cắp thông tin đăng nhập hoặc thông tin cá nhân của họ.

Tóm lại, trong tất cả các trường hợp, kẻ gian sẽ thiết kế những trang lừa đảo này trông gần như không thể phân biệt được với trang thật mà chúng đang bắt chước. Đây cũng là nhân tố chính khiến nhiều người bị mắc lừa, thậm chí không nhận ra bất cứ sự bất thường nào.

Yếu tố con người

Nói ra như vậy để thấy “phishing attack” chủ yếu chỉ nhắm vào sự nhẹ dạ, cả tin cũng như thiếu kinh nghiệm của người dùng internet. Do đó, biện pháp hữu hiệu nhất để chống lại hình thức tấn công độc hại này là mỗi cá nhân phải tự nâng cao cảnh giác cũng như tích cực đúc rút kinh nghiệm để bảo vệ mình.

Những điều trên nghe có vẻ “đao to búa lớn” nhưng trên thực tế không hề quá phức tạp. Thử lấy ví dụ với một tình huống thường gặp: Bạn nhận được một email khẩn từ ngân hàng, cho biết tài khoản của bạn gặp vấn để, yêu cầu bạn nhấp vào liên kết đính kèm và cung cấp thông tin để giải quyết. Bạn đã kiểm tra email này rất kỹ, mọi thứ đều giống hệt với một email ngân hàng hợp lệ. Đến lúc này, không ít người sẽ yên tâm nhấp vào liên kết đính kèm trong email.

Tuy nhiên, với những người giàu kinh nghiệm, họ có thể cách chọn không bấm vào liên kết mà thay vào đó, mở một cửa sổ mới và truy cập trang web của ngân hàng để kiểm tra. Hoặc thậm chí gọi điện trực tiếp đến số hotline của ngân hàng để xác nhận thông tin. Đó chính là sự khác biệt mà không một hệ thống bảo mật nào có thể làm thay bạn được!

Thế nhưng, trong nhiều tình huống, hacker cũng có đủ sự khôn khéo và tinh vi trong việc sử dụng các kỹ thuật xã hội để ép nạn nhân vào cái bẫy cầu kỳ của chúng. Một cuộc khảo sát về quyền riêng tư mới được thực hiện gần đây bởi NordVPN cho thấy rằng mặc dù hầu hết những người được hỏi khẳng định rằng họ biết cách tự bảo vệ mình trên không gian trực tuyến, nhưng họ vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân của tấn công lừa đảo. Điều này là bởi tội phạm mạng có khả năng sử dụng kỹ thuật xã hội cao cấp để ép nạn nhân thực hiện những gì chúng muốn.

Tự nâng cao cảnh giác

Con người dù có cẩn thận đến mấy, cuối cùng vẫn có thể mắc sai lầm. Thật không may, đó là điều chúng ta không thể chống lại, mà chỉ có thể cố gắng khắc phục mà thôi. Điều chúng ta cần bây giờ là sự cân bằng giữa cảnh giác, kiến thức, và công nghệ để giúp hạn chế triệt để những sai sót.

Về phần mình, các tổ chức, doanh nghiệp nên chủ động đầu tư, đào tạo cho nhân viên để giúp nâng cao nhận thức của họ trước các cuộc tấn công lừa đảo. Đồng thời khuyến khích nhân viên sử dụng các công cụ như xác thực đa yếu tố và trình quản lý mật khẩu chuyên sâu. Đồng thời, nên áp dụng chặt chẽ hơn các hệ thống bảo mật chủ động trong hệ thống mạng của mình.

Thực tế mà nói thì mỗi người trong số chúng ta không cần phải là chuyên gia bảo mật thì mới có thể được an toàn khi hoạt động trực tuyến. Đồng thời, bạn cũng không cần phải hiểu rạch ròi những khái niệm “chuyên sâu” như chứng chỉ bảo mật là gì hoặc cần phải ghi nhớ mật khẩu phức tạp cho mỗi một tài khoản online. Thay vào đó, hãy chủ động nâng cao cảnh giác ở mọi lúc, trong mọi tình huống.

Thứ Ba, 20/04/2021 09:02
52 👨 417
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tấn công mạng