Chỉ cần 40 đến 50 nghìn đồng là người tiêu dùng có thể mua tai nghe nhái Sony, Creative... nhưng thời gian sử dụng không đảm bảo. Tai nghe có thể "chết" bất cứ lúc nào.
Nằm dọc các phố Lê Thanh Nghị, Trần Đại Nghĩa, Lý Nam Đế (Hà Nội) là rất nhiều cửa hàng công nghệ nhỏ, được xem là "thiên đường" của các mặt hàng linh phụ kiện giá rẻ đến khó tin, trong số đó có tai nghe.
Chỉ cần 40 đến 50 nghìn đồng là người tiêu dùng đã sắm được một cái tai nghe nhái hiệu Sony, Creative... Phù hợp với nhu cầu của một bộ phận đông đảo người tiêu dùng, các cửa hàng này đem lại sự lựa chọn rất kinh tế, nhưng chất lượng tai nghe rất khó xác định và bảo đảm lâu dài.
Một góc gian hàng bán tai nghe. (Ảnh: Nguyên Khánh).
Điều đầu tiên dễ dàng nhận ra là ở bất kỳ cửa hàng nào trên những con phố này, chủng loại tai nghe được bày bán rất đa dạng, từ thương hiệu nổi tiếng như Sony, Creative, Philips, Nokia, Apple... đến các hãng ít tên tuổi từ Trung Quốc như Odyssey, Chenyun, Kanen, Suoyu... Kiểu dáng, mẫu mã của chúng rất đẹp mắt và phong phú như earbuds, ear-hook, canal phones, supra-aural...
Tuy nhiên, giá cả mới là điều bất ngờ nhất. Hầu hết đều chỉ từ 40 đến 50 nghìn đồng, cao nhất cũng chỉ có giá 110 nghìn. Anh Tuấn Anh, nhân viên bán hàng ở số 202 Lê Thanh Nghị, cho biết, "các tai nghe ở đây hầu hết là hàng nhái hoặc giả các hãng tên tuổi, và mức giá này là phổ biến chứ không chỉ ở một cửa hàng. Sản phẩm từ các hãng Trung Quốc cũng là hàng chính hãng, nhưng thương hiệu thì chỉ mình họ biết thôi".
Tai nghe series N.U.D.E Ex nhãn hiệu Sony tại cửa hàng chính hãng giá khoảng 60 USD đến 100 USD tùy loại, nhưng ở các cửa hàng trên phố Lê Thanh Nghị, Trần Đại Nghĩa, Lý Nam Đế lại được bày bán rất nhiều với giá chỉ 100 nghìn đồng. Tai nghe đi kèm theo iPhone, iPod giá niêm yết không dưới 29 USD, nhưng ở đây chỉ từ 40 đến 70 nghìn đồng.
Một tai nghe hiệu Creative giá 40 nghìn đồng. (Ảnh: Nguyên Khánh).
Khi thử nghiệm mới thấy chất lượng tai nghe rất không ổn định. Nhiều sản phẩm giống hệt nhau nhưng chất lượng khác hẳn nhau, đặc biệt là hàng "lô", không hộp.
Ví dụ, chọn mua một tai nghe Creative giá 40 nghìn đồng ở cửa hàng đầu phố Lê Thanh Nghị, Số Hóa phải thử đến lần thứ ba mới kiếm được một cái nghe gọi là "trơn tru" hơn tất cả, chưa xét đến âm hình và trường âm cụ thể, còn lại đều lúc được lúc không, có cái rè rè, có loại mất tiếng một bên.
Tuy nhiên, bỏ qua những sản phẩm lỗi không thể nghe được, hầu hết tai nghe loại này phù hợp với nhiều dòng nhạc phổ biến dễ nghe, nhưng khi chuyển sang các bản nhạc cổ điển, rock hay nhạc không lời, vocal... chúng đều thể hiện nhược điểm là âm trầm không rõ, tần âm cao thường bị rè, hoặc mất hẳn. Vì nhiều yếu tố, tín hiệu đến tai nghe thường không đầy đủ nên sản phẩm cho âm lượng nhỏ hơn so với tai nghe "xịn".
Giắc nối giữa tai nghe và thiết bị phát nhạc được mạ kim loại màu vàng giống hàng "xịn" nhưng lại dễ bị gỉ sét làm giảm thời gian sử dụng, rất dễ hỏng khi thời tiết ẩm.
Mạnh Tuấn, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, một khách hàng quen thuộc của các cửa hàng trên phố Lê Thanh Nghị, cho hay "mình mua tai nghe ở đây do giá rẻ, chứ chất lượng thì không đảm bảo, chỉ được một thời gian rồi lại chập chờn, tai được tai mất. Chưa kể đầu nối giữa dây và tai nghe không chắc chắn, giật nhẹ cũng đứt".
Một tai nghe Nokia không được bảo hành. (Ảnh: Nguyên Khánh).
Khi được hỏi về chế độ bảo hành ở đây, nhân viên một cửa hàng cho hay, phần lớn là không được bảo hành, nên người mua có thể thử thoải mái. Còn loại tai nghe có tên tuổi của Trung Quốc thì được bảo hành từ 3 đến 6 tháng.