Google đang xoay sở với canh bạc đầu tư vào những thị trường lớn ở châu Á. Cũng vì nhắm tới thị trường đầy sức hút này, người khổng lồ chọn lựa con đường tiếp cận mới như một công ty địa phương.
Ông Daniel Alegre, Chủ tịch Google phụ trách khu vực Nhật Bản và châu Á-Thái Bình Dương, không ít lần nhấn mạnh rằng công ty của ông đang nỗ lực đáp ứng những nhu cầu của người sử dụng và thích ứng với những khả năng Internet khác nhau ở thị trường châu Á đa dạng này. Ông cho biết: "Chúng tôi không xem mình là một công ty đến từ thung lũng Silicon. Chúng tôi xem mình là một công ty địa phương ở những thị trường như Nhật Bản, Singapore".
Văn phòng của Google tại Malaysian.
Đặt cược vào thiết bị di động
Chiến lược nói trên của Google cho thấy sức hút trên không gian ảo đang chuyển sang châu Á, nơi số lượng người lên mạng gia tăng hằng ngày, giúp khu vực này trở thành thị trường Internet lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ngay cả ở những nước có cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu truy cập Internet tại nhà của người dân như Indonesia, Philippines… thì sự bùng nổ của điện thoại thông minh (smartphone) cũng đang thúc đẩy nhiều người kết nối với thế giới trực tuyến hơn.
Công ty Morgan Stanley dự báo rằng điện thoại di động sẽ là phương tiện truy cập Internet chính trên thế giới vào năm 2014. Đó là lý do Google đang đặt cược nhiều vào thiết bị này. Hệ điều hành di động Android của họ đang ngày càng phổ biến ở châu Á khi nó giúp kết nối người sử dụng với "vũ trụ Google". Shivanu Shukla, trợ lý giám đốc về công nghệ thông tin và truyền thông tại công ty Frost and Sullivan, nhận định: "Nếu tôi là người sử dụng Gmail (dịch vụ thư điện tử của Google), có nhiều khả năng tôi sẽ tìm mua một thiết bị Android. Nếu tôi sử dụng 10 dịch vụ của Google, tôi có thể sẽ không chuyển sang một nhà cung cấp khác".
Bên cạnh việc cung cấp ứng dụng và quảng cáo trên công cụ tìm kiếm trực tuyến, Google còn tập trung vào những công ty xuất khẩu ở châu Á muốn vươn ra thế giới, nhất là tại Trung Quốc. Duncan Clark, Chủ tịch Công ty tư vấn BDA China tại Bắc Kinh, nhận định: "Google hưởng lợi từ những công ty Trung Quốc muốn quảng bá thương hiệu ở nước ngoài". Đó cũng là một trong những dịch vụ cho phép Google duy trì sự hiện diện ở thị trường Internet lớn nhất thế giới này. Theo dữ liệu được thu thập bởi BDA China, Trung Quốc có 470 triệu người sử dụng Internet trong năm 2010, nhiều gấp đôi Mỹ.
Cạnh tranh gay gắt
Sau khi xảy ra những vụ tranh cãi về vấn đề kiểm duyệt thông tin với Chính phủ Trung Quốc, Google muốn tập trung vào việc cung cấp những dịch vụ ít nhạy cảm hơn, như những sản phẩm dành cho doanh nghiệp và thiết bị di động. Ông Clark nói: "Ở Trung Quốc, những sự tranh cãi như thế đã vô tình giúp ích cho đối thủ chính của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến là Baidu. Vì thế, Google đang tìm kiếm những hoạt động kinh doanh bền vững và không đặt họ vào những cuộc tranh cãi tương tự".
Trung Quốc không phải là thị trường duy nhất ở châu Á mà Google đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Công ty này vẫn chưa thể thống trị tại một số thị trường Internet phát triển, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo công ty nghiên cứu thị trường comScore, Yahoo! Japan – với cổ đông lớn nhất là tập đoàn viễn thông Softbank – đang xử lý phần lớn các cuộc truy vấn tìm kiếm ở Nhật Bản. Ông Clark nhận định: "Yahoo! xâm nhập vào thị trường Nhật Bản sớm, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn của Softbank, nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng và di động lớn, vì thế họ có lợi thế".
Tình cảnh của Google tại Hàn Quốc còn khó khăn hơn. Số liệu của công ty nghiên cứu Metrix Corp. cho thấy thị phần tìm kiếm trực tuyến ở Hàn Quốc của công ty này chưa đến 5%. Dẫn đầu thị trường này là Naver, thuộc sở hữu của nhà cung cấp nội dung Internet NHN. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng đồng thời là nhà cung cấp nội dung và thiết bị. Chiến lược này giúp các công ty địa phương đối đầu được với Google vì người tiêu dùng quan tâm đến những nội dung trong nước hơn. Ông Clark nhận định: "Lối vào những thị trường này có những rào cản về cơ cấu và ngôn ngữ. Không dễ để các công ty nước ngoài thâm nhập nếu họ không có một đối tác địa phương".
Dù vậy, ông Alegre tỏ ra không lo lắng lắm về những thách thức nói trên. Ông nhận định: "Chúng tôi có những đối thủ rất mạnh ở châu Á. Chúng tôi phát triển nhờ vào sự cạnh tranh này vì nó buộc chúng tôi và các công ty đối thủ không ngừng cải thiện mình. Điều này cuối cùng sẽ chỉ có lợi cho Internet". Có thể hiểu được sự tự tin của Google. Với quy mô như hiện nay và sức hút của Android, Google đang ở vị thế rất tốt để thách thức các đối thủ lớn ở châu Á.