Steve Crocker là người đã phát minh ra RFC (Request for Comments), một chuỗi các bản ghi nhớ chứa đựng những nghiên cứu, đổi mới và những phương pháp luận ứng dụng cho công nghệ Internet. Steve Crocker không chỉ có mặt khi Internet ra đời mà ông còn gắn liền với Internet cho tới tận ngày hôm nay.
Đồng hành với sự ra đời của Internet
Crocker là thành viên của một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu thuộc trường đại học California, Los Angles (UCLA), những người đã gửi tin nhắn đầu tiên giữa 2 nút mạng đầu tiên của ARPAnet - mạng lưới do Bộ Quốc phòng tài trợ mà sau này đã trở thành mạng Internet hiện đại.
Đóng góp lớn nhất của Crocker tại dự án là đã tạo ra được RFC. Những tài liệu này được chia sẻ giữa nhiều viện nghiên cứu khác nhau, chúng mô tả cách thức hoạt động của mạng Internet khổng lồ - vì vậy, chúng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Internet và vẫn được sử dụng cho đến ngày hôm nay.
Cũng giống như các RFC, Crocker là một phần rất quan trọng của Internet hiện đại. Ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị của ICANN, tổ chức điều hành hệ thống tên miền của Internet. Crocker đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về việc truyền dẫn Internet đầu tiên cũng như quá trình tạo ra RFC.
Crocker cho biết: tháng 10/1969, cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển mạng ARPAnet thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã có nỗ lực để kết nối giữa máy Sigma 7 của trường UCLA và SDS-940 tại Viện nghiên cứu Stanford (SRI).
Nhưng một số người đánh giá đây chỉ là một mạng đơn chứ không phải là “Internet” và họ cho rằng Internet chỉ được tạo ra khi có nhiều mạng được kết nối với nhau cùng sự gia đời của IP (giao thức liên mạng) và TCP (giao thức truyền tải) cho phép liên kết các mạng với nhau một cách dễ dàng. Những người nghiên cứu mảng này, đặc biệt là Vint Cerf và Bob Kahn (những người đã tạo ra IP và TCP) đã đánh dấu sự ra đời của Internet từ thời điểm đó. Vint Cerf là bạn thân học cùng trường trung học và đại học UCLA với Crocker.
Steve trong lễ vinh danh Internet Hall of Fame tại Geneva, Thụy Sĩ.
Nguồn gốc của RFC
RFC của Crocker được tạo ra trước khi lần truyền dữ liệu đầu tiên qua mạng ARPAnet được thực hiện. Trước đó, những người tại ARPA (Defense Advanced Research Projects Agency - Cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển của Bộ Quốc phòng Mỹ) đã ký một hợp đồng chính thức với nhà thầu có trụ sở ở Boston là Bolt, Beranek & Newman (BBN) để xây dựng các bộ định tuyến và họ cũng ký hợp đồng chính thức với nhà mạng AT&T để thuê các đường dây giúp chuyển tải các bit dữ liệu giữa các bộ định tuyến trên khắp đất nước. Tuy nhiên, họ không có kế hoạch chính thức về các nút mạng sẽ được kết nối với mạng này. Các nút đầu tiên trên mạng ARPAnet là UCLA, SRI, Đại học California, Santa Barbara và Đại học Utah đều được nghiên cứu bằng tiền của ARPA từ trước.
Một số dự án đã tồn tại từ trước như Đồ họa, Trí tuệ nhân tạo, Kiến trúc máy, Máy có cơ sở dữ liệu lớn. Vì vậy, người đứng đầu những dự án này bận rộn với chương trình riêng của mình. Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra quyết định sẽ thăm quan các phòng thí nghiệm và thảo luận thường xuyên với nhau. Từ tháng 8/1968 đến mùa xuân năm 1969, nhóm nghiên cứu đã có nhiều cuộc gặp, đi thăm các phòng thí nghiệm của nhau và cũng có những cuộc thảo luận tự do về cách thức phát triển mạng.
Nhưng họ không có thông tin chi tiết về cách thức Interface Message Processor (IMP): bộ xử lý thông điệp giao diện kết nối với các máy chủ. Đến đầu tháng 1/1969, BBN mới thực sự tham gia. Nhóm đã đi gặp công ty này tại Boston vào giữa tháng 2/1969, nhưng mãi đến cuối mùa xuân năm đó, BNN mới cung cấp thông số chi tiết về cách thức nối máy chủ với một IMP. Và nhóm nghiên cứu bắt đầu phác thảo một số ý tưởng chính.
Họ không có người lãnh đạo cấp cao nhất. Không có giáo sư. Không có người “già dặn” trong phòng nghiên cứu. Tất cả chỉ mới trong độ tuổi 20 và tự quản lẫn nhau. Sau đó vài tháng, sau khi họp tại thành phố Salt Lake đề bàn về dự án, họ nghĩ rằng đã đến lúc bắt đầu viết ra một số ý tưởng được nghiên cứu. Mỗi người được phân một phần việc và Crocket chịu trách nhiệm tập hợp lại tất cả những ý tưởng đó.
Crocker cảm thấy rất căng thẳng vì ban đầu nghe có vẻ đơn giản nhưng sau đó ông nhận ra rằng công việc ghi chép lại những gì đã được thảo luận không phải là điều dễ dàng. Crocker nhớ lại: “Vào một buổi tối muộn, tôi không thể ngủ và nơi duy nhất tôi có thể làm việc mà không đánh thức mọi người là ở trong phòng tắm. Đó là khoảng 3 giờ sáng, tôi bắt đầu viết nguệch ngoạc một số quy tắc. Tôi viết mà không có sự chỉn chu nào cả. Tôi thực sự nghĩ rằng khi mạng được xây dựng vào mùa thu năm đó thì sẽ có những tài liệu chính thức khác và những bản ghi chép này sẽ trở lên lỗi thời hoặc bị bỏ đi". Nhưng thật không ngờ chúng đã trở thành tài liệu chính thức và vẫn tồn tại đến ngày hôm nay mặc dù có một số chuyển đổi.
Crocker vẫn quan trọng với Internet hiện đại
Crocker đã dời UCLA và ARPAnet vào giữa năm 1971. Nhưng đến tháng 6/2011, ông lại đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của ICANN. Trước đó, ông đã có thời gian dài làm nhiều việc khác - chủ yếu là kỹ thuật chứng minh hình thức (formal proof) cho các chương trình phần mềm nhưng dần dần, theo thời gian ông đã tham gia nhiều hơn vào an ninh máy tính và an ninh mạng và sau đó dấn sâu hơn vào toàn bộ văn hóa mạng.
Vào những năm 1990, IETF (Internet Engineering Task Force - Lực lượng kỹ thuật Internet) đã tạo ra một khu vực an ninh và Crocker được mời làm giám đốc khu vực đầu tiên và cũng từ đây ông tham gia vào ban chỉ đạo của IETF. Ông làm công việc này nhiều năm và sau đó chuyển sang Ủy ban kiến trúc liên kết mạng (Internet Architecture Board - viết tắt là IAB).
Sau đó, Vint Cerf trở thành Chủ tịch của ICANN và khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra, ICANN cùng các tổ chức khác tại Mỹ đã tự nhận thấy rằng: "An ninh thực sự quan trọng”. Chính vì thế ICANN đã thành lập một Ủy ban cố vấn an ninh và ổn định, Vint liền mời Crocker làm Chủ tịch và ông đã nhận lời. Từ đó ông chính thức tham gia vào tổ chức ICANN. Steve Crocker vừa có tên trong bảo tàng vinh danh Internet Hall of Fame, tôn vinh những người đã tiên phong, cải cách và có đóng góp to lớn đối với mạng Internet hôm 23/4 vừa qua tại Geneva, Thụy Sĩ.