CEO hãng phần mềm số 1 thế giới đã bộc lộ tất cả những hứng thú về tương lai của ngành công nghiệp phần mềm thế giới.
Steve Ballmer, CEO của Microsoft, và là một trong những doanh nhân giàu có nhất thế giới, giơ cả hai tay lên không trung và bắt đầu buổi nói chuyện với các nhà báo Anh một cách thân mật: “Xin chào! Đây sẽ là những năm đầy thú vị! Tôi nghĩ đến thế hệ tiếp theo với những gì mà người ta làm tại nhà của họ. Sẽ là 3 năm đáng nhớ nhất cho người sử dụng tại nhà – đáng nhớ nhất mọi thời đại”.
Steve Ballmer, Giám đốc điều hành của Microsoft, trả lời phỏng vấn The Times tại sân vận động Wembley. Ảnh: Times |
Không có nhiều CEO của những tập đoàn xuyên quốc gia trở thành hiện tượng trên YouTube, và cũng chẳng phải CEO nào cũng được như người đàn ông 53 tuổi có tên gọi Steven Anthony Ballmer. Mr. Ballmer, người tiếp quản quyền điều hành công ty phần mềm lớn nhất thế giới vào năm 2000 từ tay Bill Gates, đã nhận được 400 nghìn lượt truy cập cho mỗi một trong hai video clip của ông, một trong số đó là cảnh ông vừa nhảy trên sân khấu của một cuộc hội thảo vừa hét lên: “Give it up!” (Hãy từ bỏ!) trước khi hét khản cả hơi rằng: “I love this company!” (Tôi yêu công ty này!).
Ông có những lý lẽ xác đáng để làm điều đó. Khi Ballmer bắt đầu được tuyển dụng bởi người bạn học cũ ở chung phòng tại ký túc xá của đại học Harvard là Bill Gates, mức thu nhập khởi điểm của ông là vào khoảng 5.000 đô-la cùng với quyền mua cổ phần. Cho tới năm 2008, chỉ trong một năm ông đã mang về nhà 1,3 triệu đô-la, và tổng tài sản cá nhân của ông đã vượt con số 15 tỷ đô-la.
Trong suốt 20 năm ông và Gates lãnh đạo Microsoft, doanh thu hàng năm của công ty này đã tăng vọt từ 12 triệu lên mức trên 20 tỷ đô-la. Mặc dù Gates thường là bộ mặt của Microsoft trước công chúng, nhưng phía sau hậu trường, Ballmer thực sự là động lực quyết định cho những phi vụ marking và kinh doanh của hãng này.
Sư pha lẫn giữa trí thông minh và cá tính mạnh mẽ tới mức đáng sợ của ông đã gây lại những ý kiến tranh cãi. “Gates thì quá đỉnh, nhưng Ballmer thì thật là điên rồ, ông ta như là người mất trí”, như lời Bill Joy của Sun Microsystems nói với Fredric Alan Maxwell, tác giả của cuốn tiểu sử không được phép của Ballmer vào năm 2002; trong khi Linda Stone, cựu phó chủ tịch Microsoft lại nói với cùng tác giả: “Mọi người thích Steve Ballmer bởi vì ông ấy say mê, trung thành, thông minh, dẻo dai, chu đáo, có trách nhiệm và là người biết suy nghĩ.”
Đó là một người đàn ông được dẫn đường bởi niềm đam mê đối với công ty của ông, người mà niềm đan mê đã khiến ông có khi bực mình tới mức ném ghế, hay hét lên “Developers! Developers! Developers!” (tạm dịch là lập trìn viên) trong một cuộc hội thảo to tới mức dãn cả dây thanh âm.
Năm nay, tuy nhiên, Ballmer cũng chẳng có nhiều điều để mà than phiền. Vào tháng Bảy, kết quả kinh doanh quý của Microsoft đã cho thấy lần đầu tiên có sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của hãng trong vòng 23 năm, chủ yếu là do sức mua của PC giảm mạnh và sự xuất hiện của netbook giá rẻ sử dụng hệ điều hành của các hãng đối thủ như là Linux, hệ điều hành mã mở mà có lần Ballmer đã mô tả là một thứ “ung nhọt”.
Những tín hiệu đó làm cho lần ra mắt phiên bản Windows 7 mới nhất của Microsoft vào ngày 22/10 tới đây trở nên là một sự kiện quan trọng. Quan trọng tới mức Ballmer đã thực hiện một tour chớp nhoáng để thuyết phục mọi người mua nó. Ông cũng đã có mặt tại London để thảo luận về chiến lược hướng tới người tiêu dùng mới của hãng, và nói về mọi thứ, từ bộ chơi game Xbox 360, tới hệ thống Windows Phone mới, Windows 7 cho tới Bing, search engine mà hãng này mới phát triển.
Ballmer gặp gỡ các nhà báo của The Times tại một căn phòng nhìn ra sân vận động và khán đài trống của sân Wembley. Về phía mình, người đàn ông cao 6foot2inch Ballmer trông có vẻ duyên dáng và thân thiện một cách thuyết phục hơn hẳn hình ảnh của ông trong bất kỳ một clip online nào. Ông ăn mặc khá gọn gàng, hợp với một doanh nhân tầm cỡ toàn cầu, mà ở buổi sáng trước đó, đã có một bài phát biểu đầy lạc quan trước Hiệp hội Công nghiệp Vương quốc Anh.
Nhưng chắc chắn, đây phải là quãng thời gian khó khăn nhất mà ông phải đối mặt trong những năm trên cương vị người đứng đầu Microsoft?
“Thực ra”, ông nói, “thời gian thách thức nhất là một trong hai. Ngay trong lúc bùng nổ làn sóng dotcom. Việc đưa ra các quyết định chính xác bị đình trệ trong một thời gian, và có nhiều sóng gió xảy ra trong toàn hệ thống, chúng tôi cũng hầu như mất hẳn một thế hệ các nhân sự chủ chốt. Lần khác có lẽ là đầu những năm 1990 khi chúng tôi tụt lại so với IBM, sau đó chúng tôi đã vượt qua được, sau khi phải lần đầu tiên thực hiện cắt giảm nhân sự đáng kể. Đó là một quyết định khó khăn, thực sự khó khăn”.
Liệu những điều không may xảy ra với Microsoft có tăng thêm áp lực đối với việc phát hành Windows 7 tới đây không?
Ballmer nhún vai, và đặt tay của mình lên thành sofa giả da của Wembley.
“Bạn biết đấy, bạn không thể kiểm soát được nền kinh tế. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy ‘tôi đã thành công vì nền kinh tế đang ở tình trạng tốt’, hoặc ‘tôi thất bại vì nền kinh tế đang ảm đạm’, thì bạn đang không đánh giá đúng bản thân mình. Bạn phải tự lượng sức mình bởi thị phần, và cả sự hào hứng, hài lòng cũng như sự nhiệt tình của khách hàng nữa. Bạn phải hỏi là: “liệu chúng tôi có đang phát triển thị trường tương xứng với vận hội hay không?”."
“Tôi nghĩ thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện công việc khá tốt”.
Ông dừng lại, nghiêng về phía trước, đập tay vào thành sofa như thể là ông muốn đánh thức nó dậy rồi nói to hơn với chất giọng hào sảng mang thương hiệu Ballmer.
“Nhưng với Windows 7, chúng tôi đã làm rất tốt! Tôi nghĩ sản phẩm này thực sự tuyệt vời”.
Chắc chắn nó phải như thế. Phiên bản gần nhất của Windows, Vista, đã không thực sự thành công so với phiên bản trước đó của nó là XP. Trong một môi trường cạnh tranh mà có sự xuất hiện của những đối thủ mới như Google, cũng như những tên tuổi đáng nể khác như Apple, thì Windows 7 thực sự cần phải khẳng định được chỗ đứng của mình.
“Các bạn xem”, Ballmer nói, “Tôi không dám nói rằng bây giờ là dễ dàng. Ngày nay, chúng tôi có những đối thủ cạnh tranh có tầm cỡ, nhưng trong quá khứ cũng thế: IBM là một đối thủ xứng tầm, Lotus là một đối thủ lớn, Netscape là một đối thủ lớn, Oracle vẫn là một đối thủ lớn, Apple vẫn là một đối thủ lớn. Nhưng đó là một phần trong động lực của chúng tôi. Apple đã làm tốt và nhận được sự đánh giá cao nhờ vào các phát minh và cải tiến, nhưng các kỹ sư của chúng tôi muốn đánh bại các kỹ sư của họ, và khi chúng tôi làm, chúng tôi cảm thấy khá tốt, và khi chúng tôi không làm (ông ngồi lại và nhún vai) – bạn biết đấy – chúng tôi sẽ không như vậy...”.
Và còn Google thì sao? Chắc chắn, công ty này hứa hẹn sẽ cho phép miễn phí một hệ điều hành dễ sử dụng như là một mối đe dọa thực sự đối với vị trí của Windows?
“Tôi thực sự không biết được hệ điều hành của họ là gì. Họ đã có một [Chrome]; giờ họ có thêm cái nữa [Android]. Tôi không biết tại sao họ lại có hai sản phẩm đó, tôi chưa tìm hiểu về chúng. Nhưng có một điều không phải bàn cãi, họ thực sự là một đối thủ cạnh tranh của chúng tôi. Nhưng Android chẳng xứng tầm là một sản phẩm cạnh tranh khiến chúng tôi phải lo ngại. Năm ngoái chúng tôi đã bán trên 20 triệu thiết bị Windows Mobile. Google bán được bao nhiêu, có lẽ cũng có khoảng 1 triệu điện thoại Android được bán ra đấy nhỉ?”
Nhưng sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ đối với Google và Apple phản ánh một sự thực rằng các thiết bị với những cái tên mới lạ đã thu hút được sự chú ý của các khách hàng cá nhân, hơn là các công ty với bộ phận IT bên dưới. Có lẽ Ballmer có mặt ở Anh vào ngày hôm đó, để đưa ra ý niệm rằng các sản phẩm của Microsoft sẽ như là công cụ trợ giúp những người sử dụng cá nhân, và một nhận thức có phần chậm trễ rằng Microsoft đã tập trung vào các đối tượng khách hàng kinh doanh quá lâu, hơn là các khách hàng cá nhân đơn lẻ.
“Điều đó phụ thuộc vào việc bạn nói chuyện với ai. Có thể bạn nói chuyện với ai đó mà người ta nói rằng Microsoft là một hãng chỉ hướng đến khách hàng là doanh nghiệp, nhưng cũng có người khác nói điều ngược lại. Tất nhiên, sản phẩm phổ biến nhất của chúng tôi – Windows là một sản phẩm dành cho cho khách hàng cá nhân. 200 triệu trong số 300 triệu bản được bán ra năm ngoái là cho người dùng đơn lẻ. Nhưng [và chúng ta trở lại với phong cách quen thuộc của Ballmer, với một cái đập vào ghế sofa và một nụ cười bộc lộ sự phấn khích], nếu các bạn nhìn vào những gì chúng tôi có bên cạnh Windows 7, từ hệ thống kiểm soát Natal cho tới Xbox 360, từ Window Mobile cho tới Bing, chúng tôi có rất nhiều sản phẩm để mang tới phục vụ người tiêu dùng”.
Sứ mệnh hiện nay, có lẽ, là mở rộng mạng lưới toàn cầu mà hiện nay Microsoft đã đang hoạt động ở 110 nước.
“Vâng, với một chú thích rằng Trung Quốc mang tới cơ hội tốt nhất cho sự phát triển của chúng tôi, nhưng chúng tôi cần phải giải quyết vấn đề về việc nhận được doanh thu từ công việc của chúng tôi. Chúng tôi có thị phần cao, nhưng chúng tôi không được trả thường xuyên và tương xứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi, chứng minh giá trị và cải thiện tình hình. Chúng tôi sẽ không từ bỏ nó, vì đó là một cơ hội quá lớn”.
Và các cơ hội thì thường không bao giờ vuột qua khỏi tay Ballmer được. Suốt những năm qua, ông đã trở nên nổi tiếng nhờ sự quyết liệt trong kinh doanh, mà đôi khi dẫn đến sự liên đới của Microsoft tại các phiên toàn chống độc quyền ở Mỹ và châu Âu, nơi mà một bộ luật của EU sắp có hiệu lực sẽ bắt buộc hãng này tách trình duyệt Internet Explorer khỏi hệ điều hành Windows 7.
Liệu câu nói cũ rằng sự công bằng trong tình yêu và chiến tranh cũng đúng với kinh doanh hay không?
“Khô...ô...ông... Một số điều là OK để thực hiện, một số khác lại không. Chúng tôi rõ ràng là một công ty cạnh tranh. Chúng tôi phải cạnh tranh rất vất vả, đó là một phần trong công việc của chúng tôi. Hy vọng chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đó theo cách năng nổ nhưng không quá khiếm nhã. Tôi sẽ không bao giờ nói lời xin lỗi vì đã trở nên quyết liệt, nhưng tôi thường xuyên nói lời xin lỗi nếu tôi khiếm nhã”.
Nhưng cá nhân quản lý một công ty có mức tăng doanh thu hàng năm từ 2,5 triệu lên 60 tỷ đô-la thì chắc chắn phải có điều gì không được đồng thuận. Một trong những phê phán mạnh mẽ nhất dành cho Microsoft đó là Gates và Ballmer vẫn coi công ty như là nó chỉ mới là một doanh nghiệp nhỏ, áp dụng chiến thuật của một doanh nghiệp sừng sỏ địa phương để lũng đoạn thị trường thế giới.
“Tôi trưởng thành cùng với công ty này vì vậy cách tiếp cận của tôi sẽ khá khác với việc nếu chúng tôi đặt ai đó hoàn toàn mới mẻ với công việc vào vị trí này. Công ty cũng như đứa con của tôi vậy. Tôi có thể công bằng mà nói rằng tôi là người duy nhất lãnh đạo công ty này ở mọi quy mô, từ 30 nhân viên cho tới 95 ngàn nhân viên như hiện nay. Vì vậy tôi sử dụng một cách tiếp cận duy nhất. Có những trường phái cho rằng những nhà lãnh đạo là người sáng lập doanh nghiệp có xu hướng thể hiện cá tính hơn, thì chúng tôi sẽ nói hơn những nhà lãnh đạo không phải là người sáng lập doanh nghiệp. Nhưng tôi không nghĩ điều đó là xấu”.
Cá tính của Ballmer đã thể hiện đầy đủ trước đó ở bài phát biểu trước Hiệp hội kỹ nghệ Anh quốc (CBI), khi ông nói với các thành viên của hiệp hội rằng: “Những năm tới sẽ là những năm hưng thịnh nhất!”
Với lợi nhuận sụt giảm của Microsoft, thất nghiệp gia tăng ở tất cả các lĩnh vực chính của nền kinh tế, vậy mà Ballmer vẫn có vẻ như chính ông sẽ một tay vực dậy nền kinh tế thế giới với sự tự tin vốn có của ông.
“Xin quý vị hãy xem”, ông nói, và cúi về phía trước để chuẩn bị cho một thời điểm thú vị, “Tôi sẽ không nói rằng những năm tới là thịnh vượng nhất trong lịch sử của nền kinh tế thế giới, nhưng với tất cả những bước tiến từ thiết bị điện toán tới lập trình cụm ảo, tới giao diện máy tính tự nhiên sử dụng giọng nói và hơn thế, cùng với những cải tiến trong thương mại và viễn thông, Thì tại sao lại không thể lạc quan được?”
Và cũng như hàng trăm lần khác trong buổi nói chuyện này, Steve Ballmer, siêu tỷ phú chăm chỉ nhất hành tinh, lại cười với ánh mắt sáng người niềm lạc quan và hứng khởi.