Mặc dù liên tiếp nhận được những lời phàn nàn về mức giá quá chua chát của các thiết bị phần cứng do mình làm ra, Sony vẫn kiên quyết không chịu giảm giá bán ngay cả khi các đối thủ của mình đã thực hiện việc đó. Sẽ ra sao nếu như tất cả khách hàng của Sony biết rằng tất cả những lời lẽ phân trần của họ về tình hình kinh tế không cho phép chỉ là ngụy biện.
Sự tiến bộ của công nghệ sản xuất phần cứng theo thời gian cũng kéo theo một hệ quả là chi phí làm ra một linh kiện điện tử sẽ giảm dần theo thời gian, thậm chí là thế hệ sau hiện đại hơn cũng có thể rẻ hơn cả thế hệ máy móc đời trước. Tuy nhiên sự thật đó dường như lại không thể áp dụng được với mức giá bán của hai sản phẩm của Sony là PS3 và PSP Go.
Trong bài phát biểu gần đây với báo giới, giám đốc điều hành của tập đoàn Sony, ông Nobuyuki Oneda đã lỡ miệng để lộ bí mật rằng trong 4 năm kể từ ngày phát hành lần đầu tiên, Sony đã giảm được tới 70% chi phí sản xuất một chiếc PS3. Những người biết được sự thật này ngay sau đó đều cảm thấy hết sức bất bình về việc Sony không hề chịu giảm giá bán sản phẩm của mình trong suốt một thời gian dài như vậy.
Phát ngôn viên của Sony một lần nữa đã sử dụng lý do cũ để trả lời trước dư luận rằng đó là một hành động bất khả kháng của Sony bởi trong suốt hai năm vừa qua họ đã phải chịu lỗ rất nặng nề khi bán máy PS3 với giá… tương đương với 11 triệu VNĐ. Thời điểm hiện tại mới là lúc họ bắt đầu có thể quay vòng vốn cho dự án này.
Còn đối với chiếc máy PSP Go đang làm mưa làm gió tại E3, người chơi cũng bắt gặp tình hình tương tự. Các chuyên gia cũng đã đánh giá rằng khi thu nhỏ cỡ màn hình và bỏ đi đầu đọc đĩa UMD trong thiết kế của PSP Go, Sony đã tiết kiệm được ít nhất khoảng 1,8 triệu VNĐ trên mỗi đơn vị máy này. Thế nhưng Sony vẫn tự tin nâng giá sản phẩm đó lên tương đương 4,5 triệu VNĐ – đắt hơn cả mẫu PSP cũ khi cho rằng đó là cái giá thương hiệu của mình đáng được nhận.
Sắp tới không biết thị trường sẽ phản ứng ra sao khi Sony sẽ còn cho ra mắt thiết bị PS3 Slim. Hiện tại mức giá của sản phẩm này vẫn chưa đọc công bố chính thức, tuy nhiên chắc chắn rằng giá bán của nó sẽ rẻ hơn phiên bản PS3 hiện tại bởi mẫu thiết kế này đã bỏ đi nhiều thiết bị phần cứng thừa được cho vào trước đó để tương thích ngược (nhưng không thành công) với các tựa game PS2 cũ. Mẫu sản phẩm này sẽ sử dụng phần mềm giả lập để chơi game PS2.
Vấn đề còn lại khiến các hardcore gamer quan tâm nhất ở một chiếc PS3 Slim là khả năng tản nhiệt của nó sẽ có hiệu năng ra sao. Bởi lẽ cũng giống như trường hợp của PS2 Slim, Sony đã cắt bỏ hoàn toàn quạt tản nhiệt của thiết bị này để đổi lấy một kích cỡ nhỏ gọn hơn cho sản phẩm. Thế nhưng mẫu thiết kế đó lại không thể đáp ứng được cường độ chơi game lên đến 8 tiếng một ngày hoặc hơn của họ và thường xuyên xảy ra tình trạng cháy chập bất ngờ.
Nếu trường hợp tương tự cũng xảy ra với PS3 Slim thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người thà cắn răng mua PS3 cũ còn hơn bởi họ không muốn chỉ vì vài ba triệu đồng mà phải thường xuyên đem máy đi sửa. Hơn nữa, khả năng tản nhiệt thượng thừa của PS3 cũng là một yếu tố để nó có thể cạnh tranh với đối thủ của mình là Xbox 360 – hệ máy đang “lên bờ xuống ruộng” về lỗi 3 đèn đỏ quái ác.
Thế nên, cho dù công chúng có chào đón PS3 Slim một cách cuồng nhiệt hay lạnh nhạt thì Sony vẫn có thể “kê cao gối nằm”, yên chí chờ thanh lí hết đợt hàng cũ lẫn hàng mới của mình bởi không phải ai cũng có thể ngồi chơi game 8 tiếng liên tục và chấp nhận việc phải đóng hóa đơn tiền điện quá cao vào cuối tháng với một chiếc PS3 ngốn điện ngang tủ lạnh.