Qualcomm đã dần tăng giá các dòng chipset điện thoại thông minh hàng đầu của mình trong vài năm trở lại đây. Đỉnh điểm là trường hợp của Snapdragon 8 Gen 3 - mẫu SoC đắt nhất mà công ty từng bán cho các đối tác của mình.
Theo một số ước tính, bộ xử lý mới nhất của Qualcomm đắt hơn tới 25% so với sản phẩm tiền nhiệm Snapdragon 8 Gen 2. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ phải tự tăng giá bán sản phẩm thương mại để bù đắp cho sự gia tăng trong giá thành sản xuất, hoặc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giữ lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Trước khi Snapdragon 8 Gen 3 ra mắt, đã có tin đồn rằng con chip này sẽ đắt hơn Snapdragon 8 Gen 2 và thực tế đúng là như vậy. Con chip flagship của Qualcomm trong năm 2022 được ước tính có giá khoảng 160 USD khi giao đến các đối tác sản xuất smartphone. Trên thực tế, bản thân mức giá này ở thời điểm cách đây gần hai năm cũng đã được đánh giá là cao. Làm một so sánh đơn giản, A16 Bionic của Apple được sản xuất hàng loạt với mức giá chỉ 110 USD, tức là thấp hơn Snapdragon 8 Gen 2 khá nhiều. Không khó để nhận thấy một xu hướng gia tăng “nguy hiểm” trong giá thành của chip xử lý, đến mức các nhà sản xuất có thể sẽ phải bắt đầu tính đến những lựa chọn khác để tiết kiệm chi phí linh kiện.
Dữ liệu do một blogger công nghệ có nickname 'HR before HW' trên Weibo công bố cho thấy Qualcomm duy trì chính sách tăng giá chipset của mình theo cách “bài bản” như thế nào, với bước nhảy vọt lớn nhất đến từ sự ra mắt Snapdragon 8 Gen 1, ước tính có giá 1.200 Nhân dân tệ, tương đương 169 USD. Mức giá hạ xuống một chút cho Snapdragon 8 Gen 2, để rồi tăng mạnh đối với Snapdragon 8 Gen 3 ở mức trên 200 USD.
Đây có thể là một phần lý do giải thích tại sao Samsung quyết định quay trở lại chính sách phát hành dòng Galaxy S24 chạy chip Exynos 2400 tại một số thị trường. Cách làm này cho phép gã khổng lồ Hàn Quốc duy trì tỷ suất lợi nhuận trong khi vẫn giữ nguyên mức giá của một số thị trường. Tuy nhiên, tại Mỹ, Galaxy S24 Ultra được bán lẻ với giá 1.299,99 USD, đánh dấu mức tăng 100 USD so với năm ngoái. Điều này có thể là do giá Snapdragon 8 Gen 3 tăng và một phần là từ lớp vỏ titan mới.
Theo một giám đốc điều hành của Qualcomm, xu hướng tăng giá chipset sẽ không dừng lại trên Snapdragon 8 Gen 4, vì việc chuyển đổi sang các lõi tùy chỉnh có thể kéo theo chi phí gia công đắt hơn cả Snapdragon 8 Gen 3. Thậm chí, giới chuyên gia cho rằng việc Snapdragon 8 Gen 4 tăng giá có thể khiến một số thương hiệu chọn sử dụng Snapdragon 8 Gen 3 trên các mẫu điện thoại đầu bảng của mình trong năm tới. Tương tự, một số OEM lớn có thể chọn phương án tìm đến các sản phẩm đối thủ, chẳng hạn như Dimensity 9400, Dimensity 9400 dự kiến sẽ được MediaTek đưa vào sản xuất hàng loạt vào cuối năm nay.
Chi phí gia tăng của các mẫu chip cao cấp từ Qualcomm đã ảnh hưởng đáng kể đến việc định giá sản phẩm của nhiều nhà sản xuất Android, góp phần làm tăng giá bán điện thoại đông minh ở một số thị trường thời gian qua.