Một dự án nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Rochester Mĩ với mục tiêu làm cho điện thoại có khả năng cảm nhận những trạng thái cảm xúc của người dùng bằng việc đo đếm bạn đã nói nhiều hay ít mà không dựa trên việc bạn đang nói điều gì.
Dự án nghiên cứu này với tiêu đề “Bridge Project” tập trung vào những thay đổi nhỏ nhất trong giọng nói của con người. Thay vì việc sử dụng các phương pháp truyền thống như kiểm soát ngôn ngữ cơ thể hoặc tự báo cáo, phương pháp mới này dựa trên hệ thống phát hiện cảm xúc thụ động. Công nghệ này cho phép điện thoại có thể luôn luôn lắng nghe và nhận diện tình trạng cảm xúc của người dùng mà không cần tiến hành bất cứ kiểm tra nào trên cơ thể họ.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống này liên quan đến việc đo lường 12 đặc tính của giọng nói sau đó lấy căn cứ dữ liệu này để xếp vào 5 trạng thái cảm xúc khác nhau. Wendi Heinzelman, 1 giáo sư về công nghệ máy tính và điện năng cho biết rằng dự án này tập trung phân tích toàn bộ các câu từ của người dùng thậm chí là các cụm từ không thường dùng để thể hiện cảm xúc như khi bạn nói ngày tháng năm chẳng hạn.
Ấn tượng hơn nữa, chúng có khả năng đạt độ chính xác đến 81% khi mà những nỗ lực trước đó chỉ có độ chính xác dao động trong khoảng 55%. Với những diễn viên đọc lời thoại trong 1 buổi trình diễn, các nhà nghiên cứu thậm chí có thể điều chỉnh các số liệu kết hợp với các nốt nhạc, âm lượng và giai điệu phù hợp với trạng thái cảm xúc cụ thể của từng nhân vật nhằm đem lại hiệu ứng âm thanh tốt nhất.
Không nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là một công cụ vô giá cho các nhà tâm lý học cũng như nghiên cứu y tế. Hãy cứ thử nhìn vào Siri của Apple, vị trợ lý ảo của Apple được thiết kế hoạt động gần gũi với “con người” hơn bằng việc đưa ra được những câu trả lời hài hước, biết xin lỗi và sử dụng những câu từ thực tế hơn như “Let’s hear some Beatles” (hãy cùng lắng nghe Beatles nhé), thay vì những lời nói vô hồn “Now playing: The Beatles, track one” (Đang chạy: The Beatles, bản thứ nhất).
Công nghệ này sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị hơn khi có những tương tác như con người. Bây giờ bạn hãy tưởng tượng khi kết hợp công nghệ nhận biết cảm xúc nói trên với ứng dụng Siri. Khi bạn đang thất vọng, smartphone của bạn có thể đưa ra những gợi ý đơn giản như làm thế nào để cảm thấy thoải mái. Khi bạn buồn, nó thậm chí sẽ “nịnh” bạn bằng một vài lời khen. Lúc này thì điện thoại sẽ như một người bạn thân của bạn vậy.
Trong cuốn sách “Man Who Mistook His Wife For A Hat” của tiến sĩ Oliver Sack, ông đã kể một câu chuyện về nhóm bệnh nhân bị triệu chứng “mất ngôn ngữ”, tức là không thể hiểu ngôn ngữ nói. Trong câu chuyện này, ông đã miêu tả chi tiết rằng những bệnh nhân này rất nhanh nhạy trong việc phát hiện cảm xúc thông qua biểu hiện lời nói của người đối diện. Thực tế, dù không thể hiểu được những lời nói thông thường, nhưng họ có thể sử dụng các tín hiệu âm thanh để giao tiếp rất hiệu quả với những người thân, gia đình và các bác sĩ.
Tiến sĩ Oliver Sack thậm chí nhấn mạnh rằng sẽ vô cùng khó khăn để nói dối thành công với một người mắc chứng bệnh “mất ngôn ngữ” này, bởi họ luôn nhìn ra được những cảm xúc thật của bạn dù bạn cố che giấu như thế nào. Câu chuyện này đã minh chứng được rằng quả thực cảm xúc của chúng ta thể hiện rất nhiều qua lời nói. Và với những lợi ích như vậy, ứng dụng “Phát hiện cảm xúc” làm smartphone của chúng ta trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.