Là một trong những cường quốc công nghệ, nhưng phải đến bây giờ Nhật Bản mới nắm trong tay một siêu máy tính thuộc hàng “khủng” nhất thế giới, đánh bại hàng loạt tên tuổi lẫy lừng khác đến từ Mỹ và Trung Quốc.
Cụ thể, siêu máy tính Fugaku Nhật Bản vừa vượt lên nắm giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng TOP500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới một cách đầy thuyết phục, với tốc độ xử lý nhanh gấp 2,8 lần Summit - siêu máy tính của Mỹ từng giành “ngôi vị” nhanh nhất thế giới hồi cuối năm 2019.
Siêu máy tính Fugaku được phát triển bởi Viện nghiên cứu Riken (được chính phủ Nhật Bản tài trợ) với sự trợ giúp từ tập đoàn công nghiệp nặng Fujitsu. Cỗ máy này hiện được đặt tại Trung tâm Khoa học tính toán RIKEN, Nhật Bản. Không chỉ dẫn dầu về tốc độ tính toán, siêu máy tính Fugaku còn nắm giữ luôn các vị trí hàng đầu trong 3 hạng mục quan trọng khác khác liên quan tới ứng dụng trong công nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data). Về hiệu quả sử dụng năng lượng, Fugaku đứng vị trí thứ 9 trong danh sách Green500 - con số không tệ với một hệ thống với sức mạnh xử lý “bá đạo” như vậy.
Fugaku sở hữu điểm số High Performance Linpack (HPL) lên tới 415,5 petaflop, gấp gần 3 lần so với “á quân” Summit do Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge National Laboratory của Mỹ phát triển. Thú vị hơn, cung cấp sức mạnh cho Fugaku là cấu hình A64FX SoC 48 lõi, khiến siêu máy tính này trở thành hệ thống dựa trên ARM đầu tiên đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng TOP500. Các vị trí còn lại trong top 5 thuộc danh sách TOP500 năm nay bao gồm Sierra (Hoa kỳ), Sunway TaihuLight và Tianhe-2A (Trung Quốc).
Xét về tổng thể, Trung Quốc vẫn là quốc gia thống trị danh sách TOP500 với sự góp mặt của 226 hệ thống. Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ hai với 114 hệ thống, Nhật Bản có 30 hệ thống, Pháp và Đức lần lượt có 18 và 16 hệ thống. Trung Quốc có nhiều siêu máy tính hơn, nhưng nếu xét trên hiệu suất tổng thể lại kém Hoa Kỳ: 565 petaflop so với 644 petaflop.
Trở lại với Fugaku, siêu máy tính của Nhật Bản có giá trị 130 tỷ yên, bắt đầu được cài đặt vào tháng 12 năm 2019 và dự kiến sẽ đi vào sử dụng đầy đủ trong năm 2021.