Nếu bạn đang muốn mua một chiếc Xbox Series X mới của Microsoft hay thậm chí chỉ là một card đồ họa cho PC, rất có thể bạn đã bắt gặp thuật ngữ TFLOP.
Nó là viết tắt của teraflop và đã trở thành một phép đo quan trọng cho khả năng hoạt động của card đồ họa. Thông thường, số càng cao, hiệu suất càng tốt, nhưng có một số sắc thái cần xem xét. Dưới đây là tất cả mọi thứ bạn cần biết khi so sánh một số GPU mạnh nhất trên thế giới.
TFLOP là gì?
Không giống như gigahertz (GHz), đo tốc độ xung nhịp của bộ xử lý, TFLOP là phép đo trực tiếp về hiệu năng của máy tính.
Cụ thể, teraflop đề cập đến khả năng của bộ xử lý trong việc tính toán 1 nghìn tỷ phép toán dấu chấm động mỗi giây. Ví dụ, nói một cái gì đó có “6 TFLOP”, nghĩa là thiết lập bộ xử lý của nó có khả năng xử lý trung bình 6 nghìn tỷ phép tính dấu chấm động mỗi giây.
Microsoft đánh giá bộ xử lý tùy chỉnh Xbox Series X của mình ở mức 12 TFLOP, nghĩa là console có khả năng thực hiện 12 nghìn tỷ phép tính dấu chấm động mỗi giây. Để so sánh, GPU AMD Radeon Pro bên trong MacBook Pro 16 inch của Apple đạt đỉnh với 4 teraflop, trong khi Mac Pro được thiết kế lại có thể đạt tới 56 teraflop.
TFLOP có quan trọng với việc chơi game không?
Microsoft gần đây đã tiết lộ chi tiết về Xbox Series X, cho biết rằng bộ xử lý đồ họa của nó có hiệu suất lên đến 12 teraflop. Con số này gấp đôi mức 6 teraflop trên Xbox Series X và gấp 8 lần khả năng của Xbox One ban đầu. Microsoft đã mô tả đây là một bước nhảy vọt thực sự trong xử lý và đồ họa.
Khả năng tính toán được cải thiện đóng vai trò rất quan trọng đối với các game, đặc biệt là khi Xbox mới sẽ sử dụng phương pháp DirectX Ray Tracing (dò tia) được tăng tốc phần cứng, với việc Microsoft thực hiện một thuật toán tùy chỉnh đối với Variate Rate Shading (VRS) để làm cho các cảnh trong game video trở nên chân thực hơn.
Chiếu sáng một cảnh để cho thấy ánh sáng bị hấp thụ, phản xạ hoặc khúc xạ đòi hỏi nhiều khả năng về đồ họa và console sẽ dựa vào silicon 12-TFLOP của nó để cung cấp cho game thủ trải nghiệm tuyệt vời hơn nữa.
Nhiều TFLOP nghĩa là thiết bị nhanh hơn, đồ họa tốt hơn ư?
Thường sẽ là vậy, nhưng trên thực tế, ta đã thấy một số GPU có nhiều teraflop hoạt động kém hơn so với những GPU có ít TFLOP hơn. Công suất cũng tương tự như vậy. Chẳng hạn, đèn pha và đèn chiếu sáng sân khấu có thể sử dụng cùng một công suất, nhưng chúng hoạt động theo những cách rất khác nhau và có mức độ sáng khác nhau. Hiệu suất trong thế giới thực phụ thuộc vào những thứ như cấu trúc của bộ xử lý, frame buffer (bộ đệm khung), tốc độ lõi và các thông số kỹ thuật quan trọng khác.
Thông thường, nhiều TFLOP hơn có nghĩa là các thiết bị nhanh hơn, đồ họa tốt hơn. Chỉ vài năm trước, các thiết bị tiêu dùng thậm chí không thể đạt đến cấp độ TFLOP, còn bây giờ việc nhiều thiết bị đạt đến 6 đến 11 TFLOP đã rất phổ biến. Trong thế giới siêu máy tính, mọi thứ thậm chí còn ấn tượng hơn.
Các nhà nghiên cứu chuyên so sánh thông số kỹ thuật hiện đang thảo luận về siêu máy tính có hơn 100 petaflop (1 petaflop bằng 1000 teraflop). Hiện tại, kỷ lục hiệu suất được giữ bởi một siêu máy tính do IBM chế tạo tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, đạt đến 122,3 petaflop.