OpenAI cuối cùng đã ra mắt SearchGPT, công cụ tìm kiếm trực tuyến của riêng mình được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng truy cập thông tin thời gian thực trên toàn bộ internet. Dưới đây là một trong số những đánh giá ban đầu của biên tập viên trang tin công nghệ CNET về SearchGPT, 5 điểm khác biệt so với Google Search.
Sự khác biệt trong kết quả tìm kiếm
Điểm khác biệt đầu tiên chính là trang kết quả. Với SearchGPT, khi bạn thực hiện một truy vấn, kết quả bạn nhận được sẽ là một tóm tắt câu trả lời kèm theo các liên kết đến nguồn thông tin nhằm giúp tiết kiệm thời gian với những phản hồi trực tiếp hơn.
Ví dụ, với truy vấn hỏi về những loại cà chua tốt nhất để trồng ở Minnesota, SearchGPT sẽ trả về kết quả là các loại như Early Girl, Celebrity, Roma và Cherokee Purple, cùng với các liên kết đến các nguồn thông tin về làm vườn cung cấp những gợi ý đó.
Với Google, khi thực hiện cùng một truy vấn tương tự với Google, người dùng sẽ nhận được AI Overview - bản tóm tắt kết quả do AI tạo ra, khá tương đồng với những gì SearchGPT đang thực hiện. Ngoài ra, tính năng "People Also Ask" với bốn câu hỏi gợi ý và một số liên kết cũng sẽ xuất hiện. Nếu AI Overview của Google không trả lời câu hỏi, bạn sẽ phải cuộn qua nhiều trang tìm kiếm.
Danny Goodwin, giám đốc biên tập của trang tin tức SEO Search Engine Land cho biết, có rất nhiều phàn nàn về chất lượng tìm kiếm của Google… thật khó để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đáng lẽ nên đơn giản.
Vấn đề quảng cáo
Hiện tại, SearchGPT không có quảng cáo, không rõ điều này có duy trì trong tương lai hay không. Nếu muốn có quyền truy cập không giới hạn vào mô hình GPT-4o, người dùng sẽ phải trả 20 USD mỗi tháng.
Google thì ngược lại, đã cung cấp quảng cáo từ năm 2000 và đã kiếm được 237,8 tỷ USD từ quảng cáo chỉ trong năm 2023.
Tính năng tương tác
OpenAI có dự định sẽ tích hợp tìm kiếm trực tiếp vào chatbot ChatGPT để có trải nghiệm giao tiếp hơn, trong đó SearchGPT sẽ lưu giữ bối cảnh để trả lời các câu hỏi tiếp theo.
Khi đó, bạn chỉ cần đặt ra các câu hỏi giống như bạn hỏi một người bạn hay một chuyên gia đáng tin cậy, SearchGPT sẽ đưa ra câu trả lời hoặc tóm tắt dưới dạng một cuộc đối thoại liên tục.
Ví dụ, khi SearchGPT được hỏi: "Khi nào tôi có thể thấy sên biển ở vịnh Half Moon vào cuối tuần này?" Hệ thống sẽ cung cấp hình ảnh của sên biển, cũng như thời gian chính xác cho các đợt thủy triều thấp vốn diễn ra mỗi ngày được trích dẫn các nguồn từ Pacific Beach Coalition và Tide Forecast. Với câu hỏi tiếp theo: "Liệu thời tiết có nóng không?". SearchGPT sẽ hiểu rằng câu hỏi này đang tìm kiếm bản dự báo thời tiết cho Half Moon Bay, California.
Với Google, nếu bạn hỏi "Có gì để làm ở New York vào cuối tuần tới?" và sau đó hỏi: "Liệu trời có mưa không?". Google sẽ trả lại cho bạn kết quả là thời tiết cho vị trí hiện tại của mình.
Thông tin sai lệch
Đây là vấn đề mà cả Google và SearchGPT đều đã gặp phải khi một chatbot cung cấp thông tin sai hoặc gây hiểu lầm.
Vào thời điểm mới ra mắt, AI Overview của Google liên tục đưa ra thông tin sai sự thật, thậm chí gây sốc.
SearchGPT cũng đã gặp phải những sự cố riêng.
Với ChatGPT, người dùng sẽ thấy xuất hiện cảnh báo: "ChatGPT có thể mắc sai lầm. Hãy kiểm tra thông tin quan trọng." Không rõ liệu SearchGPT có đưa ra cảnh báo tương tự cho người dùng hay không.
Tìm kiếm cục bộ và thương mại điện tử
Với lĩnh vực tìm kiếm thứ để mua hoặc nơi để đến thì Google vẫn chiếu ưu thế.
Khi biên tập viên trang CNET sử dụng ChatGPT để tìm kiếm "pizza gần tôi," chatbot này yêu cầu người dùng nêu rõ địa điểm hoặc cung cấp mã zip. Sau khi thêm mã zip, biên tập viên này đã được ChatGPT cung cấp ba địa điểm đang bán pizza tại khu vực người này sinh sống.
Sau những trải nghiệm ban đầu, một số chuyên gia cho rằng SearchGPT sẽ đi theo một hướng hoàn toàn mới.
Mike Grehan, giám đốc điều hành của công ty tiếp thị kỹ thuật số Chelsea Digital cho biết, Google giống như một cuốn bách khoa toàn thư kết hợp với atlas và cơ quan tin tức, và đang không ngừng mở rộng, trong khi đó SearchGPT giống như một dịch vụ kiểu lễ tân.