Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện tuyên bố sẽ triển khai đấu giá các băng tần 4G LTE vào cuối 2015, chậm nhất là vào đầu 2016. Các nhà mạng cũng đã sẵn sàng với cuộc đua 4G. Tuy nhiên, thực tế thị trường vẫn đang mặn mà với 3G.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT&TT) cho biết, dự kiến Việt Nam sẽ triển khai đấu giá các băng tần 4G LTE vào cuối năm 2015, chậm nhất là vào đầu năm 2016.
Ông Hoan cho biết thêm là sau khi được Thủ tướng đồng ý cho thực hiện cơ chế đấu giá cấp phép băng tần, Cục Tần số đã và đang xây dựng hồ sơ đấu giá. Dự kiến, phiên đấu giá sẽ tiến hành chậm nhất vào đầu 2016 tới, nhanh nhất vào cuối năm nay đối với băng tần 2.3 GHz và 2.6 GHz, còn đối với băng tần 850/900/1800 MHz Cục muốn xem xét thỏa thuận với các doanh nghiệp để phân bổ lại.
Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn tần số và thời điểm để triển khai công nghệ mới rất quan trọng. Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương đưa ra nhận định, năm 2015 là thời điểm chín muồi để triển khai việc cấp phép cho 4G khi các sản phẩm smartphone hỗ trợ 4G đã giảm giá mạnh để tiếp cận thị trường tiêu dùng bình dân. Cùng đó là thực tế 4G phát triển vượt bậc đang là một xu hướng áp đảo của thế giới năm nay, khi có thêm 300 mạng 4G mới ra mắt tại 100 nước trên thế giới cùng với 500 mạng khác đang rục rịch ra mắt.
Theo số liệu ước tính của hãng Ericsson, đến cuối năm 2019, thế giới sẽ có 9,2 tỉ thuê bao di động, trong đó trên 80% sẽ là các thuê bao băng rộng di động. Dự đoán đến năm 2018, mức độ dữ liệu sử dụng sẽ tăng 61% so với năm 2013, trong đó mức tăng trưởng dữ liệu tại khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ chiếm 42,4%, nhiều nhất trong các khu vực.
Hiện kế hoạch đấu giá băng tần 4G đang là vấn đề quan tâm của các nhà mạng Việt Nam và cả các doanh nghiệp điện tử - viễn thông quốc tế. Đại diện Samsung cho biết, hãng này rất quan tâm vấn đề này.
Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm truyền thông và quan hệ công chúng của VNPT thì cho hay, ngay sau khi VNPT có giấy phép thử nghiệm đã hợp tác với Công ty Alltech Telecom (Nga) để khởi động 4G. Tuy nhiên, trước mắt VNPT sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ 3G, 3,5G và từng bước thử nghiệm 4G trên thị trường. Nhà mạng MobiFone cũng khẳng định, đã sẵn sàng chuẩn bị cho bước tiến lên 4G.
Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel từ lâu đã quan tâm đến 4G. Vào tháng 5/2011, tập đoàn này đã công bố trình diễn thành công công nghệ 4G. Tuy nhiên, trên thực tế 4G hiện vẫn chưa được triển khai thực tế.
Nhận định về vấn đề này, ông Thiều Phương Nam cho rằng, các doanh nghiệp viễn thông nội địa không cần vội vã triển khai đồng loạt trên toàn quốc ngay mà chỉ cần tập trung vào những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…trong thời gian đầu. Cùng đó, bài toán khai thác được hiệu quả 3G khi đầu tư cho 4G cũng cần được các nhà mạng tính đến.
Theo báo cáo từ các mạng di động, đến thời điểm này đã có khoảng hơn 30% thuê bao di động sử dụng 3G và dự kiến đạt trên 50% thuê bao sử dụng 3G vào cuối năm 2015. Dựa trên tình hình thực tế có thể thấy, dù các nhà mạng dù tuyên bố đã sẵn sàng cho "cuộc chiến" giành thị phần 4G, nhưng đến thời điểm này 3G vẫn là "gà đẻ trứng vàng" và thị trường vẫn đang tỏ ra rất mặn mà với 3G.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng nhu cầu về 4G tại Việt Nam chưa đủ lớn nên các nhà mạng vẫn phải dồn sức cho 3G?