Ngay sau khi Huawei thừa nhận mảng sản xuất chip xử lý của mình sắp phải tạm dừng hoạt động do những ảnh hưởng từ lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump, một nhà sản xuất lớn đến từ Hoa Kỳ - Qualcomm - đã có quyết định gây nhiều tranh cãi khi đề nghị chính phủ loại bỏ bớt các chính sách hạn chế và cho phép họ bán bộ vi xử lý Snapdragon cho chính Huawei, theo báo cáo của Wall Street Journal. Để đạt được điều này, Qualcomm sẽ cần phải xin giấy phép từ Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ.
Lý do được Qualcomm đưa ra là lệnh cấm giao thương sẽ không ngăn được Huawei tiếp cận và sở hữu những nguồn cung khác để tái triển khai các hoạt động cần thiết. Ngoài ra, điều này có thể khiến “hàng tỷ đô la” lợi nhuận từ chính các doanh nghiệp Mỹ chảy vào túi những nhà sản xuất chip nước ngoài như MediaTek và Samsung. Dỡ bỏ lệnh cấm, về mặt lý thuyết, sẽ giúp các công ty Mỹ duy trì sức cạnh tranh. “Sẽ có sự thay đổi nhanh chóng về thị phần chipset 5G nếu các doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế trong khi đối thủ nước ngoài của chúng tôi thì không”, đại diện nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới cho biết.
Lý lẽ của Qualcomm không phải không có lý khi theo ước tính, nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc đã chi không dưới 11 tỉ USD nhập linh kiện cần thiết do các công Mỹ sản xuất trong năm 2018, trong đó Qualcomm và Intel là những công ty hưởng lợi nhiều hơn cả.
Không hề có sự do dự hay ngại ngùng nào khi Qualcomm bày tỏ mong muốn trở thành đối tác cung cấp CPU cho Huawei. Phát biểu tại sự kiện báo cáo thu nhập quý, CEO Qualcomm Steve Mollenkopf cho biết công ty của ông đang lên kế hoạch cung ứng chip cho mọi nhà sản xuất điện thoại trên toàn thế giới, “bao gồm cả Huawei”.
Một số công ty công nghệ lớn đã không tiếc công tìm cách xoay sở để có được ngoại lệ trong lệnh cấm của Hoa Kỳ và tiếp tục giao dịch với các đối tác Trung Quốc thông qua giấy phép đặc biệt, chẳng hạn như Intel, Micron và Xilinx. Tất nhiên đây không phải sứ mệnh đơn giản với Qualcomm bởi điện thoại thông minh đại diện cho một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Huawei, và việc cho phép một ngoại lệ lớn như vậy có thể được coi là làm suy yếu lệnh cấm. Đồng thời tạo ra những mâu thuẫn liên quan đến sự thiếu nhất quán bởi các công ty phần mềm như Google vẫn bị cấm tương tác với công ty Trung Quốc, trong khi Qualcomm lại có được ngoại lệ.
Về lý thuyết, đây không hẳn là nhiệm vụ bất khả thi của Qualcomm và nếu thuyết phục thành công, sự xuất hiện của chipset Snapdragon trên các dòng sản phẩm cao cấp ra mắt năm 2021 của Huawei như P50 và Mate 50 là hoàn toàn có thể xảy ra.