Tuy vẫn còn một vài khiếm khuyết nhưng Q-mobile S10 đã tạo được nhiều ấn tượng. Đây là smartphone thương hiệu Việt đầu tiên có cảm ứng đa điểm nên có thể nói tất cả mới chỉ là sự khởi đầu.
Thiết kế: Nỗ lực đáng ghi nhận
Có lẽ Q-mobile S10 là chiếc smartphone có thiết kế đem lại ấn tượng cho người dùng nhiều nhất ở dòng điện thoại thông minh thương hiệu Việt. Như những chiếc smartphone cảm ứng khác, S10 có mặt trước chủ yếu là màn hình chính với kích thước 3.2 inch, điểm đáng chú ý là các phím cơ bản của hệ điều hành Android được thiết kế nổi, thay vì làm bằng cảm ứng như đa số các smartphone cảm ứng hiện nay. Máy nhìn thon, gọn. Việc Q-mobile tạo cho máy những đường cong vuốt hai đầu ở mặt sau cũng tạo nên một nét riêng cho máy và nhìn khá mạnh mẽ.
Một điểm đáng chú ý nữa là nắp pin nhựa ở phía sau và một phần dưới màn hình phía trước của máy được Q-mobile phủ một lớp giả da khiến cho chiếc máy trở nên sang trọng hơn khi cầm trên tay. S10 có camera 5.0 ở mặt sau, cạnh trái là nút nguồn và tăng giảm âm lượng, cạnh phải có nút chụp ảnh, khe cắm thẻ nhớ, cổng microUSB và giác cắm âm thanh 3.5mm. Điểm đáng tiếc ở thiết kế S10 là máy được trang bị vỏ nhựa, đặc biệt nắp pin khá mỏng manh, nên có phần thiếu chắc chắn.
Trải nghiệm: Hài lòng với người dùng
Trang bị màn hình 3.2inch với cảm ứng điện dung, bên cạnh đó với độ phân giải 320x480, cùng với hệ điều hành Android 2.2 Froyo, màn hình S10 cho chất lượng hiển thị tốt, cảm ứng mượt và màu sắc rõ ràng. Điểm đáng chú ý nữa là bàn phím cảm ứng cho độ chính xác cao, chỉ tiếc là nó vẫn ở nguyên bản của hệ điều hành và thiếu sót khi Q-mobile không tích hợp một bàn phím tiếng Việt cho S10. Về cấu hình S10 được trang bị bộ vi xử lý Qualcomm 7227, sử dụng kiến trúc ARM v6 có tốc độ 600Mhz và RAM của máy dùng các phần mềm đo được là 162MB. Đối với một smartphone, mức cấu hình này chỉ ở trung bình, điều đó cũng đã ảnh hưởng đến một số thao tác của người dùng khi làm việc với máy. Chẳng hạn cảm ứng tốt nhưng khi xử lý nhanh thường hay bị vấp, máy khởi động chậm. Chơi một số game nặng như Ninjakaka hay Angybird trên máy nhiều lúc có tình trạng dừng và mất hình.
Điểm nổi bật nhất của S10 đó chính là kết nối, với tốc độ kết nối 3G lên tới 7.2Mbs. Khi trải nghiệm 3G vào Internet trên máy rất nhanh và ổn định, chỉ mất vài giây máy đã load xong trang web. Bên cạnh đó chất lượng hiển thị web cũng rõ ràng, không bị vỡ hình khi phóng to như một số người nhận định, xem Youtube trên điện thoại cũng rất thoải mái và không bị dừng hình. Kết nối Wifi của máy cũng làm hài lòng người dùng ở tốc độ.
Camera của máy có độ phân giải 5.0MP, máy chỉ có một camera sau và thiết kế chìm vào trong, ở mặt sau, không tích hợp flash. Nhìn chung camera chỉ hoạt động tốt trong điều kiện ánh sáng tốt, còn nếu ở trường hợp ánh sáng yếu thì chất lượng ảnh chỉ đạt mức trung bình, chất lượng quay phim của máy thì hoàn toàn không được đánh giá cao. Âm thanh S10 lúc nghe nhạc to, rõ và trầm ấm; khi nghe, gọi điện thoại cũng đảm bảo chất lượng tốt, mặc dù khả năng lọc tiếng ồn vẫn chưa hiệu quả.
Riêng Pin của S10, với dung lượng 1200mAh, người dùng giải trí và thường xuyên mở các kết nối dung lượng pin được khoảng 1 ngày, còn nếu chỉ thỉnh thoảng mới mở các kết nối pin được khoảng 1,5 ngày. Có điều máy sạc pin rất lâu, người dùng có thể mất cả nửa ngày để chờ pin đầy.
Mặc dù còn một vài khiếm khuyết nhưng S10 đã tạo ra được nhiều hài lòng cho người dùng ở các tính năng. Mức giá 4.029.000 đồng được Q-mobile công bố cũng được xem là khá mềm. Q-mobile S10 cũng là sản phẩm mở ra một sự khởi đầu mới, thời của smartphone thương hiệu Việt chất lượng tốt, giá rẻ.