Nguồn: Infoworld |
Mặc dù không ngừng đa dạng hóa sản phẩm, công việc kinh doanh chủ chốt của Oracle vẫn chỉ xoay quanh phần mềm cơ sở dữ liệu độc quyền do hãng này phát triển. Trong khi ấy, MySQL lại hoàn toàn trái ngược. Đây là một trong những hãng đi đầu về việc thương mại hóa các sản phẩm nguồn mở.
Giám đốc điều hành Marten Mickos của MySQL đã xác nhận ý định của Oracle trong một cuộc phỏng vấn tại Hội thảo Kinh doanh Nguồn mở, song ông này không chịu tiết lộ chi tiết về thời điểm cũng như số tiền mà Oracle "chào mời".
Tuy nhiên, cũng giống như PeopleSoft lúc đầu, MySQL đã từ chối nhã ý của Oracle, với lý do: muốn duy trì sự độc lập cho hãng phần mềm nguồn mở này.
Bước đi thông minh
Theo giới phân tích, việc Oracle đề nghị mua MySQL là một nước cờ rất khôn ngoan. Thay vì chống lại nguồn mở, họ đã nhận ra đến một thời điểm nào đó, nguồn mở là tất yếu. Hơn thế nữa, nếu đã là tất yếu, tại sao lại không "tiên hạ thủ vi cường", ra tay trước các đối thủ", nhà phân tích Stephen O'Grady nhận định.
Theo O'Grady thì Oracle có thể thu lợi từ MySQL hệt như IBM từng đạt được sau khi mua lại Gluecode trước đây (Gluecode chuyên bán các phần mềm máy chủ ứng dụng Java nguồn mở và cạnh tranh với sản phẩm độc quyền WebSphere của IBM). Giờ thì IBM cung cấp phần mềm của Gluecode dưới dạng sản phẩm miễn phí có tên WebSphere Community. Chưa hết, thâu tóm MySQL còn mở ra một thị trường mới đáng kể cho chính sản phẩm của Oracle.
Ngay hôm thứ tư vừa qua, Oracle đã nuốt chửng thành công Sleepycat, một hãng cơ sở dữ liệu nguồn mở quy mô nhỏ, và từ năm ngoái là hãng InnoDB. Hiển nhiên, tham vọng nguồn mở của Oracle đâu khiêm tốn như vậy. Theo một bản tin trên tờ BusinessWeek thì Oracle còn định thâu tóm cả hãng chế ứng dụng máy chủ nguồn mở JBoss nữa.
Thiên Ý