Nữ hoàng công nghệ châu Á

Mari Matsunaga (Nhật) được xem là "bà mẹ" của công nghệ i-mode, công nghệ truy cập internet qua điện thoại di động. Mari Matsunaga đã biến điện thoại di động thành mạng tùy thân, kho lưu trữ dữ liệu và công cụ thanh toán tiền bằng phương thức chuyển khoản...

Từ tổng biên tập chuyển sang nghiên cứu công nghệ thông tin

Năm 1997, Công ty điện thoại di động lớn nhất Nhật Bản NTT DoCoMo nuôi ý định biến điện thoại di động thành công trình của thế kỷ 21. NTT DoCoMo đã thuê Mari Matsunaga, lúc đó đang làm Tổng biên tập của tạp chí Travail, gia nhập đội ngũ nghiên cứu của công ty.

Mari Matsunaga

Cuối năm 1999, Công ty DoCoMo công bố dịch vụ i-mode. Mari Matsunaga được báo chí xem như "bà mẹ" của công nghệ trên. I-mode là tên dịch vụ mà Mari dốc hết tâm sức thiết kế. Điều khiến mọi người bất ngờ là một nhà báo không am hiểu nhiều về kỹ thuật vi tính và điện thoại lại có thể tạo ra công nghệ trên. Năm 2000, cô được tạp chí Fortune (Mỹ) đánh giá là người phụ nữ quyền lực nhất châu Á trong giới kinh doanh.

Mari nhớ lại hai năm cực khổ để cho ra đời i-mode: "DoCoMo đến tòa soạn tạp chí mà tôi làm hơn 20 năm để mời về làm việc. Bạn bè chung quanh tôi không ai nghĩ ra chuyện này. Nữ tổng biên tập một tạp chí làm sao có thể khai phá một công trình như thế? Tôi đã nghĩ về việc trên suốt mấy đêm"… Sau đó, Mari đột nhiên quyết định rời khỏi tạp chí. Cô ví sự kiện trên là bước đột phá của bản thân.

Sau khi khai phá i-mode thành công, Mari lại chuyển sang làm việc tại công ty sản xuất đồ chơi. Nguyên nhân vì sao rời bỏ i-mode, Mari cho rằng: "Có lẽ do thói quen ở tạp chí, sau khi hoàn thành một cuốn tạp chí bán chạy, chúng tôi phải đổi đề tài khác. Khi tôi rời i-mode, tôi đã đứng vững và có thể đi xa hơn. Hiện nay, tôi làm việc ở công ty đồ chơi, không xa lắm với điện thoại.

Công năng thông tin trên điện thoại từ từ có thể chuyển sang trò chơi. Thế giới trò chơi có nhiều nội dung mới đã được chuyển lên điện thoại di động. Nhật đang đối mặt với vấn đề dân số lão hóa. Sau này, đồ chơi cần có thêm hệ thống thông tin để chăm sóc, quản lý sức khỏe cho người già. Lúc khẩn cấp, đồ chơi có thể thông báo cho người nhà hoặc trung tâm y tế
".

Ngoài ra, Mari còn làm cố vấn chính sách công nghệ thông tin cho Chính phủ Nhật. Mari cho rằng theo tiến trình toàn cầu hóa, điện thoại di động cần có thêm chức năng chỉ đường, phiên dịch, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Ví dụ như: khi vào viện, chỉ cần bấm nút điện thoại có thể lấy hồ sơ bệnh án đã lưu cho bác sĩ xem. Bác sĩ sẽ đỡ mất thời gian và công sức. Gặp lúc nguy hiểm, điện thoại có thể cảnh báo...

Mang văn hóa tạp chí vào công ty điện thoại

Tạp chí Business Week viết về Mari Matsunaga
Hiện nay, Nhật có hơn 80 triệu người sử dụng điện thoại di động. Khách hàng trẻ tuổi ngày càng tăng một phần nhờ nghiên cứu của Mari. Cô đã viết một cuốn sách nhan đề Sự kiện i-mode. Trong đó, nội dung thu hút độc giả nhất là đoạn Mari mô tả cô đã mang văn hóa tạp chí vào công ty điện thoại như thế nào. Mari kể khi rời tòa soạn để đến công ty điện thoại lớn nhất Nhật Bản làm việc, cô gặp sự mâu thuẫn về văn hóa rất lớn.

Cô chia sẻ: "Ở tòa soạn, tôi quen cách bố trí văn phòng thành ngôi nhà. Lúc nào tôi cũng có thể tiếp bạn bè tại tòa soạn. Vào Công ty DoCoMo, tôi lại thấy một không gian khô cứng. Tôi đã yêu cầu công ty chi 10 triệu yen (tương đương 1,3 tỉ đồng) để sửa phòng làm việc, mua bộ ghế thật lớn, thật thoải mái. Sau đó, văn phòng còn lắp đặt cả dàn máy karaoke. Việc tu sửa phòng ốc không những khiến đội ngũ khai phá vui vẻ ở lại làm đêm mà bạn bè họ còn thường xuyên đến chơi. Mọi người còn gọi văn phòng là câu lạc bộ chân lý (ý nghĩa tên của Mari). Đấy cũng là nơi chúng tôi thai nghén ra i-mode. Khi chuyển ngành, nhiều người cho rằng tôi liều lĩnh đi sang một con đường khác".

Khái niệm i-mode và việc xuất bản tạp chí hoàn toàn không giống nhau nhưng hai việc trên giống nhau ở mục đích cung cấp thông tin cho khách hàng. Mari khai phá i-mode với mục đích để khách hàng sử dụng được nhiều công năng của điện thoại di động. Hiện nay, nhiều thanh niên quen với việc đọc thông tin qua điện thoại, dùng điện thoại chuyển khoản, mua cổ phiếu... Có thể hình dung mạng internet là siêu thị, điện thoại di động là cửa hàng 24/24 giờ. Thiết kế nội dung thông tin cho điện thoại, cô rất xem trọng thị hiếu cá nhân, nhu cầu, lượng thông tin và tính kịp thời.

Mari luôn nhận mình tốt nghiệp văn khoa, nghèo nàn kiến thức điện thoại và vi tính. Tuy nhiên, thực tế chứng minh cô là ngôi sao của giới công nghệ thông tin Nhật Bản.

Trường Minh

Thứ Sáu, 22/12/2006 08:46
31 👨 168
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp