Trong thị trường công nghệ, ngay cả các đại gia cũng khó tránh khỏi cuộc chơi đuổi bắt, một cuộc chơi đôi khi rất tốn kém và vô ích. Theo một cách nào đó, Nokia và HP đang dấn thân vào cuộc chơi này.
CEO Nokia thừa nhận hãng đang thua trong “mọi cuộc chiến” và phải “nhảy” để cạnh tranh với Apple.
Trong một thông điệp gửi đến toàn thể nhân viên Nokia, ông Stephen Elop, Tổng giám đốc mới của Nokia, đã so sánh tình trạng hiện nay của Nokia trong cuộc chiến cạnh tranh smartphone với Apple và Google như một người đàn ông trong đang đứng trong “chảo lửa”, và Nokia không thể không “nhảy” – Nokia phải có những hành động mạnh mẽ để chiếm lại thị phần đã mất.
Trong khi đó, tại San Francisco, HP – nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất – hôm 9/2 cũng đã giới thiệu một máy tính bảng mới, chiếc Touchpad, nhằm cạnh tranh với Apple và iPad. Ngoài ra, HP cũng tung ra 2 smartphone mới để bước chân vào một thị trường khác mà hãng đã tụt hậu.
Nhưng dù là những đại gia công nghệ, song cả Nokia và HP đều đối mặt với nhiều khó khăn khi chơi trò đuổi bắt với các đối thủ đang nổi danh. Hơn nữa, mảnh đất công nghệ lại luôn thay đổi đến chóng mặt.
Thực ra, trong lịch sử từng xảy ra những câu chuyện rượt đuổi thành công. Chẳng hạn IBM, hãng số 1 về loại máy tính lớn, đã vượt qua những người đi đầu về loại máy tính nhỏ và máy tính cá nhân. Nhưng sau đó IBM lại bị “đuổi lại”. Còn Microsoft là “kẻ đến muộn” trong phần mềm trình duyệt Internet, nhưng nay hãng đã thực sự dẫn đầu.
Tuy nhiên, tụt hậu trong cuộc đua sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc “chào thua”, đặc biệt trong mảng công nghệ. Trong thông điệp gửi đến các nhân viên của ông Elop, ông đã viết rằng Nokia đang thua trong “mọi cuộc chiến” và đang đứng ngoài “hệ sinh thái” bao gồm các nhà phát triển, game, ứng dụng phần mềm, quảng cáo, thương mại điện tử, tìm kiếm và các dịch vụ khác. Nokia phải “xây dựng, phải là chất xúc tác hoặc tham gia vào hệ sinh thái đó”.
Ông Elop dự định sẽ giải trình trước các nhà đầu tư và bắt đầu lên đề cương cho chiến lược mới của Nokia. Nhưng các nhà phân tích đang tự hỏi chiến lược đó sẽ có những gì. “Nokia không có vũ khí để tự chiến đấu trong cuộc chiến này”, George F. Colony, chủ tịch hãng nghiên cứu Forrester Research, nói.
Những đối tác hấp dẫn nhất với Nokia sẽ là Google và Microsoft. Cả hai công ty hiện đang “ve vãn” Nokia. Mặc dù Nokia đang mất thị phần smartphone song hãng vẫn là công ty bán ra số lượng smartphone nhiều hơn bất cứ đối thủ nào. Vì thế, Nokia có thể là một đối tác có giá và là nhà marketing hữu hiệu cho phần mềm Android của Googole hoặc Windows Phone 7 của Microsoft.
Hiện nay, hầu hết điện thoại thông minh Nokia đều chạy trên hệ điều hành Symbian của hãng. Theo một nguồn tin, để lôi kéo Nokia, Google và Microsoft đang tung ra hàng trăm triệu USD, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và marketing.
Về phần HP, vụ mua lại Palm giá 1,2 tỷ USD vừa đang phát huy tác dụng, khi HP vừa giới thiệu máy tính bảng TouchPad và 2 smartphone mới. Hiện nay, máy tính bảng là ưu tiên của HP, ngay cả khi nó có thể ăn lẹm vào thị phần PC rất hùng mạnh của HP. Doanh số máy tính bảng dự đoán sẽ tăng gấp 4 lần trong 2 năm tới, đạt 71 triệu máy trên toàn cầu vào năm 2012.
TouchPad trông giống với iPad, dù nhẹ hơn một nửa và có vẻ mỏng hơn. HP cược với khách hàng và các nhà phát triển rằng họ sẽ có bước đi dài cho thị trường máy tính bảng. “Đây chỉ là khởi đầu cho cuộc đua marathon”, Todd Bradley, phó chủ tịch của HP, nói.
Xét cho cùng, Nokia và HP cũng rất mạnh. Nokia có thị phần ĐTDĐ lớn nhất, có mối quan hệ sâu sắc với các hãng viễn thông trên toàn cầu, và là một nhãn hiệu nổi tiếng. HP cũng mang đến cuộc đua sức mạnh của một công ty PC lớn nhất thế giới – kinh nghiệm sản xuất, thương hiệu nổi tiếng và mạng lưới phân phối toàn cầu.
Tuy vậy, thách thức lớn của cả Nokia và HP là liệu họ có thể tiến đủ nhanh trong thế giới công nghệ vận động không ngừng này?