Nhật ký Darknet: "Cuộc chiến vô cực" giữa Dev game và những kẻ viết cheat

Tại Defcon, một sự kiện thường niên của giới hacker, có một nơi gọi là r00tz. Về cơ bản, đây là một ngôi làng nhỏ c các bạn hacker nhí tham gia sinh hoạt. Tại đó, các bạn nhỏ được học những kỹ năng hack cơ bản nhất.

Làng r00tz cũng có tổ chức những buổi nói chuyện (workshop) cho phép các hacker nhỏ tuổi chia sẻ những trải nghiệm của mình. Trên sân khâu sự kiện năm đó xuất hiện một bé gái khoảng 10 tuổi đang chia sẻ về cách cô bé hack trò chơi trên chiếc điện thoại của mình.

Đó là một trò chơi nông trại, cô bé phải gieo hạt và chờ một khoảng thời gian nhất định để cây trái phát triển. Nhưng vì không muốn phải chờ đợi nên cô bé đã chỉnh đồng hồ của điện thoại tăng thêm vài tiếng. Cô bé vào game để xem cây trái đã phát triển hay chưa và nhận thấy mọi thứ vẫn như vậy. Rõ ràng là trò chơi có các cơ chế để xác định xem người chơi có gian lận bằng cách này hay không.

Không bỏ cuộc, cô bé thử lại nhưng lần này cô ngắt kết nối internet (cả WiFi lẫn di động) của chiếc điện thoại. Lần này cô bé đã thành công, một cô bé 10 tuổi đã tìm ra cách để hack trò chơi nông trại ấy.

Nhật ký Darknet: "Cuộc chiến vô cực" giữa Dev game và những kẻ viết cheat
Nhật ký Darknet: "Cuộc chiến vô cực" giữa Dev game và những kẻ viết cheat

Từ ước muốn chinh phục tới ngành công nghiệp triệu đô

Từ những đứa trẻ tới những người trưởng thành, ai trong chúng ta cũng từng hack game hoặc chí ít là mong muốn thực hiện một trò gian lận (cheat) nào đó để có thể chinh phục các thử thách trong game.

Để đáp ứng nhu cầu này, có những người sẵn sàng viết các phần mềm hack/cheat/tool game rồi bán chúng kiếm lời. Thực tế là có một ngành công nghiệp hack/cheat trị giá nhiều triệu USD đang âm thầm hoạt động ở ngoài kia.

X là quản trị viên của một trang web chuyên cung cấp phần mềm gian lận cho các tựa game như Call of Duty, Battlefield, Apex Legends, DayZ... Hắn ta làm công việc này chủ yếu vì tiền bởi người ta sẵn sàng trả rất nhiều tiền cho những phần mềm cheat game.

Một phần mềm cheat game DayZ có giá 29,99 USD cho 7 ngày sử dụng. Ngoài ra, trang web của X còn cung cấp nhiều dịch vụ cheat đặc biệt cho các khách hàng VIP. Có thể thấy, số tiền người ta bỏ ra cho phần mềm cheat game còn lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra để mua game.

Các phần mềm cheat game thường hoạt động theo mô hình thuê bao, trả tiền theo chu kỳ (tuần, tháng hoặc năm). Lý do là vì, theo X, các nhà phát triển game (Dev game) luôn cập nhật và vá các lỗ hổng trong game của họ. Vì thế, những kẻ viết cheat cũng luôn phải tìm ra các phương thức mới để khai thác lỗ hổng của game. Do vậy, chúng phải chi tiền cho việc phát triển hoặc mua lỗ hổng. Hình thức thuê bao phần mềm cheat sẽ giúp hoạt động kinh doanh của chúng có lời.

Các nhóm phát triển cheat game cũng hoạt động rất có tổ chức. Thông thường, sẽ có một hoặc một nhóm người trực tiếp đảm nhiệm việc viết cheat và một hoặc một nhóm người khác phụ trách quảng bá, bán cheat. Nhóm của X gồm 2 người, một nhà phát triển chuyên viết cheat và X đảm nhiệm việc quản lý trang web bán cheat.

X chia sẻ rằng không phải tất cả các cheat game đều có thật. Có những trang web lừa đảo đăng tải nhiều phần mềm cheat game nhưng khi tải về chúng không hoạt động hoặc thậm chí phát tán virus. Bên cạnh đó, còn có những người bán lại (reseller). Những người này mua cheat game và key từ nhà phát triển sau đó rao bán ở một nơi nào đó để kiếm lời.

Theo X, những nhà phát triển chuyên viết cheat không muốn trực tiếp bán cheat bởi họ muốn tập trung vào công việc của mình. Công việc bán cheat bao gồm marketing, quảng cáo, giao dịch với khách hàng, chuyển tiền... thường tiêu tốn rất nhiều thời gian của nhà phát triển. Ngoài ra, điều này còn giúp nhà phát triển được bảo vệ bởi họ có thể chỉ nhận thanh toán bằng Bitcoin để đảm bảo sự ẩn danh.

Trong mối quan hệ này, nhà phát triển thường kiếm được nhiều tiền hơn những người phụ trách bán cheat như X. Họ có thể kiếm được từ vài USD tới 500.000 USD mỗi tháng. Một cheat game loại trung bình có thể mang về khoảng từ 20.000 USD tới 80.000 USD mỗi tháng.

Rõ ràng đây là một mức thu nhập cao so với mức trung bình của các nhà phát triển. Ngoài ra, những người bán cheat cũng kiếm được thu nhập kha khá.

Thực tế, việc mua cheat không hề đơn giản. Trang web của X yêu cầu người mua cheat lần đầu cung cấp ba loại giấy tờ tùy thân có ảnh khác nhau như thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc bằng lái xe. Ngoài ra, người mua còn phải cung cấp thêm một bức ảnh selfie. Sau đó, họ phải tiến hành đăng ký, nhập các thông tin cá nhân một cách chính xác.

X cho biết quá trình này được thực hiện nhằm bảo vệ các phần mềm cheat của họ bởi có rất nhiều người muốn sở hữu chúng.

Những kẻ viết hack/cheat/tool game kiếm được rất nhiều tiền
Những kẻ viết hack/cheat/tool game kiếm được rất nhiều tiền

Cuộc chiến vô cực

Ở phía bên này chiến tuyến, các nhà phát triển game (Dev game) ghét cay ghét đắng những anh chàng chuyên viết cheat. Lý do là vì cheat mang đến cho người chơi sử dụng cheat những lợi thế vượt trội so với người chơi khác nên phá hỏng trải nghiệm game vốn có. Những người dùng cheat sẽ khiến người chơi chân chính chán nản dẫn tới việc từ bỏ game, ảnh hưởng tới doanh thu và danh tiếng của nhà phát hành game.

Một Dev game có tên Eugene cho biết trước đây anh từng phụ trách việc chống hack/cheat cho game DayZ. Đội ngũ của anh có 5 người nhưng những game lớn hơn như Liên Minh Huyền Thoại sẽ cần một nhóm chống hack/cheat khoảng trên 25 người.

Công việc của những người như Eugene là tìm ra những lỗ hổng, những lỗi có thể phần mềm cheat khai thác. Khi chặn được các lỗ hổng này, phần mềm cheat sẽ không thể can thiệp được vào game nữa.

Ngoài ra, ngành công nghiệp cheat game còn tạo ra một ngành công nghiệp phụ trợ chuyên tạo ra các phần mềm chống lại phần mềm cheat game. Chúng ta có thể kể tới các phần mềm nổi tiếng thuộc danh mục này như VAC, nProtect GameGuard, PunkBuster, BattleEye và HackShield...

Đương nhiên là những kẻ code cheat game cũng không chịu đầu hàng. Chúng liên tục vận động, phát triển và tiến hóa để phần mềm cheat game có thể vượt qua sự phát hiện, ngăn chặn của các phần mềm chống cheat. Ngoài ra, chúng còn phải đối mặt với các hành vi phá hoại từ những thế lực thù địch.

X chia sẻ rằng những kẻ cạnh tranh, những người code cheat game khác, đôi khi tấn công nhóm của anh. Những người ghét hành động cheat game và có chút kiến thức an ninh mạng cũng nhắm vào các nhóm như nhóm của X. Trang web của X không ít lần bị DDoS và phải ngừng hoạt động. Sau này, X đã phải chi nhiều tiền hơn cho dịch vụ chống DDoS và phải trả thêm băng thông khi bị DDoS.

Eugene và nhóm của anh cũng đã tìm cách mua những phần mềm cheat game để nghiên cứu. Họ tạo ra một mạng riêng trong nội bộ công ty làm nơi để thí nghiệm. Họ thuê người giả làm người muốn mua cheat để vượt qua vòng kiểm tra của những nhóm bán cheat như X.

Sau khi mua được cheat, Eugene tiến hành đảo ngược code để tìm ra những thứ có thể giúp ngăn chặn cheat.

Những lúc mua cheat, Eugene và nhóm của mình rất mong muốn chúng là cheat thật, hoạt động bình thường. Lý do là vì không ít lần họ mua cheat nhưng lại bị lừa cài phần mềm gián điệp, mã độc, ransomware...

Eugene không sợ việc ransomware hay mã độc xâm nhập công ty bởi anh và nhóm của mình làm việc trong một mạng riêng biệt. Anh chỉ muốn rằng có trong tay cheat thật để thực hiện việc nghiên cứu, không bị mất thời gian xử lý các vấn đề khác.

Các phần mềm cheat game thực thụ đôi khi cũng có thêm chức năng thu thập thông tin. Điều này giúp kẻ viết cheat biết rằng ai đang sử dụng cheat của chúng. Nếu có bất cứ ai không phải người dùng thực thụ, ví dụ như dev game hoặc cảnh sát..., sử dụng cheat, chúng sẽ ngay lập tức vô hiệu hóa cheat để đảm bảo an toàn.

Eugene chia sẻ rằng còn có những dev game hoạt động như gián điệp hai mang. Họ có thể giả làm kẻ viết cheat để gia nhập cộng đồng sau đó cung cấp thông tin hữu ích cho dev game trong việc chống lại các phần mềm cheat.

Cuộc sống của một dev game chuyên chống lại phần mềm hack/cheat như Eugene cũng không hề dễ dàng. Sau khi chia sẻ về cheat game tại hội nghị GDC, anh phải nhận rất nhiều cuộc gọi đe dọa, tin nhắn khủng bố nặc danh. Thậm chí, những kẻ này còn gửi các hình ảnh bạo lực đẫm máu tới thành viên gia đình anh.

Nhật ký Darknet: "Cuộc chiến vô cực" giữa Dev game và những kẻ viết cheat

Bắt bớ và kiện cáo

X cho rằng việc điều hành một trang web bán cheat không hề vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Eugene phản đối bởi có một số người đã bị bắt, ví dụ như cậu trai có biệt danh MizuSoft.

Đài BBC đã phỏng vấn cậu trai có tên Joe Tidy này bởi vì cậu điều hành một trang web có doanh thu gần 1.500 bảng Anh mỗi tuần và lượng khách hàng đang tăng lên. Một tuần sau, Ubisoft đã xác nhận được danh tính của cậu và đâm đơn kiện. Hóa ra Joe điều hành trang web có tên MizuSoft, chuyên bán phần mềm cheat các game của Ubisoft.

Joe thật dại dột khi lên TV để chia sẻ về hoạt động phạm pháp mà bạn đang thực hiện. Đừng như Joe cả về khía cạnh phạm pháp lẫn chia sẻ nó trên TV. Cậu hiện đang bị Ubisoft bắt bồi thường cho những thiệt hại mà cậu gây ra cho họ.

Trong vụ tạo ra công cụ hack PokeGo++ (chơi game Pokemon Go mà không cần rời khỏi nhà) kẻ viết cheat đã phải bồi thường 5 triệu USD để dàn xếp vụ việc. Cảnh sát Trung Quốc cũng vừa triệt phá đường dây viết và buôn bán cheat khổng lồ liên quan tới các game của Tencent. Họ thu giữ số tài sản gồm nhiều siêu xe trị giá 46 triệu USD từ những kẻ bán cheat. Theo báo cáo, những kẻ này đã kiếm được 76 triệu USD từ việc bán cheat.

Năm 2019, một YouTuber 15 tuổi đã bị Epic Games kiện vì quảng cáo cho phần mềm cheat game trên kênh của cậu. Buồn cười hơn là cậu bé đó còn làm một video để chia sẻ rằng mình bị kiện. "Tôi vừa nhận được email chứa đơn kiện dài 30.000 trang từ Epic. Thật kỳ lạ khi họ lại đâm đơn kiện tôi. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi đã có một luật sư giỏi", cậu YouTuber chia sẻ.

Đó cũng là video cuối cùng mà cậu bé ấy đăng lên. Câu chuyện xảy ra đã 3 năm và nay chúng ta vẫn chưa biết nó đi về đâu. Epic Games cho biết cậu bé đã vi phạm luật bản quyền. Đa số các vụ kiện đều như vậy, các hãng game buộc tội những người tạo ra, quảng bá và buôn bán tool/cheat vi phạm luật bản quyền. Đôi khi, thật khó để tìm ra và xử lý triệt để những kẻ này hoặc có khi tìm ra nhưng chúng lại ở quốc gia mà các vụ kiện không ảnh hưởng gì nhiều.

Nhật ký Darknet: "Cuộc chiến vô cực" giữa Dev game và những kẻ viết cheat

Kết

Nói một cách ngắn gọn, không ai ưa những kẻ gian lận dù là ngoài đời thực hay trong các trò chơi. Những kẻ dùng hack/cheat/tool sẽ làm hỏng trải nghiệm game của những người khác nhất là với game online. Vậy chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn vấn nạn này?

Các hãng game có thể gửi thư yêu cầu ngừng và hủy hoạt động tới những kẻ viết cheat dù phương thức này không mấy hiệu quả. Họ cũng có thể kiện nhưng trước khi kiện họ phải biết mình sẽ kiện ai. Thế nhưng các hãng game lại không thể tự mình điều tra kẻ hack mình là ai bởi họ không có thẩm quyền.

Vì thế, chiến thuật hiệu quả nhất mà các hãng game có thể làm hiện tại đó là tự mình chiến đấu với các phần mềm hack/cheat/tool game ngay trong chính trò trơi của họ. Các hãng game có thể dồn nhiều tài nguyên hơn vào việc bảo mật code game và ứng dụng client của game, bổ sung thêm nhiều cơ chế giám sát và phát hiện để tìm ra những người chơi gian lận và cấm họ vào game.

Nhưng tất nhiên, với mỗi phát súng mà hãng game bắn ra, những kẻ viết hack/cheat/tool lại cố gắng né tránh hoặc hồi phục và phát triển mạnh hơn. Cuộc chiến giữa hãng game và những kẻ tạo ra phần mềm hack/cheat/tool thực sự là một cuộc chiến vô cực, sẽ không bao giờ kết thúc mà càng ngày sẽ càng tinh vi và hoành tráng hơn.

Lưu ý: Bài viết này được lược dịch từ podcast thứ 115 của series Darknet Diaries. Nếu muốn nghe toàn bộ podcast thì mời bạn nhấn vào đây.

Thứ Hai, 30/05/2022 10:31
3,77 👨 4.901
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ