Nghiên cứu của nhà phát triển phần mềm diệt virus G Data cho thấy người Nga thích trả tiền cho phần mềm diệt virus nhưng kém nhất châu Âu về kiến thức bảo mật máy tính.
Người Nga thích trả tiền cho phần mềm diệt virus vì không tin tưởng phần mềm diệt virus miễn phí, một nghiên cứu của Công ty phát triển phần mềm diệt virus Đức G Data cho biết. Ở Nga, phần mềm diệt virus hợp pháp và phải trả phí được cài đặt sử dụng trên khoảng 47,83% máy tính cá nhân của người dùng nội địa. Đó là tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia có người dân được khảo sát để lập bản báo cáo này.
Tiếp sau Nga, các quốc gia có nhiều người dân sử dụng phần mềm diệt virus thương mại là Anh (47,29%), Hà Lan (47,23). Tại Mỹ, sự phổ cập phần mềm diệt virus thương mại chỉ đạt 45,4%.
Lãnh đạo bộ phận nghiên cứu tiếp thị của Kaspersky Lab Alexander Erofeev bình luận bản báo cáo của G Data rằng ông tìm thấy sự trùng hợp giữa các kết quả nghiên cứu của G Data với các kết quả nghiên cứu của công ty ông tại khu vực các quốc gia phát triển, nhưng ở Nga thì có một sự rất khác biệt.
Theo Kaspersky Lab, hiện thời, so với trước đây, người dùng Nga đón nhận rất tốt các dạng phần mềm diệt virus miễn phí còn tỷ lệ phần mềm diệt virus thương mại đang giảm dần trong dân chúng. Theo số liệu của Erofeev, phần mềm diệt virus thương mại hiện được 40% người Nga sử dụng trong khi 60% thích sử dụng sản phẩm miễn phí nếu tính vào tiêu chí này cả phần mềm sao chép bất hợp pháp.
Bản báo cáo của G Data được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực hiện vào tháng 4 và 5/2011. Cuộc nghiên cứu thực hiện tại 9 nước lớn nhất châu Âu, Nga và Mỹ. Bản báo cáo này có thể coi là có tính đại diện bởi vì, ví dụ, ở Nga đã có 1.085 người được hỏi.
Theo số liệu của G Data, ở Nga có mức độ phổ biến nhất về phần mềm diệt virus thương mại trong 11 nước phát triển bao gồm Mỹ (câu hỏi được đặt ra là "phần mềm bảo vệ máy tính nào đang được bạn sử dụng?"). Chú thích theo màu (từ trên xuống): Thế giới, Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Anh, Mỹ. Từ trái sang: (Phần mềm) có trả tiền; miễn phí; bất hợp pháp; không biết là loại gì; không sử dụng phần mềm diệt virus.
Đồng thời với việc người dân Nga yêu thích các phần mềm diệt virus hợp pháp là "tình yêu" của họ với phần mềm diệt virus bẻ khoá. Nước Nga có chỉ số phổ biến phần mềm diệt virus bẻ khoá cao nhất trong số các quốc gia được xét ở trên: 10,97% tức là cao hơn hẳn nước đứng thứ 2 là Tây Ban Nha với 4%.
Alexander Erofeev lưu ý rằng theo các nghiên cứu của công ty ông, đối với các thị trường đang phát triển, nói chung đều có đặc điểm phổ biến phần mềm bẻ khoá, chiếm từ 10% đến 15%. Ví dụ ở Mehico, tỷ lệ này là 12%, ở Ấn Độ là 15% và Thổ Nhĩ Kỳ là 11%. Ngoài ra, một số lớn hơn tưởng tượng người Nhật cũng thích phần mềm diệt virus bẻ khoá.
Nhóm người dùng thích phần mềm diệt virus bẻ khoá thường kết hợp với nhóm người dùng không phân biệt rõ ràng phần mềm diệt virus miễn phí hợp pháp thành một nhóm lớn hơn. Những người Nga được hỏi cho biết họ không tin vào phần mềm diệt virus miễn phí. Chỉ có 31,9% số người Nga được hỏi đồng ý rằng phần mềm miễn phí cũng có khả năng diệt virus hiệu quả như phần mềm thương mại. Hơn nữa, đến 34,84% trường hợp người dùng Nga đang sử dụng chính loại phần mềm này.
Người dùng Nga tin tưởng sâu sắc rằng không có phần mềm diệt virus miễn phí mà tốt (câu hỏi đặt ra: "Với người được hỏi, có hay không phần mềm diệt virus miễn phí chất lượng tương đương phần mềm diệt virus thương mại?"). Từ trái sang: Có; Không, chất lượng kém hơn; Không, ít tính năng hơn; Không, còn mạnh hơn; Không biết.
Giám đốc thương mại của Công ty Agnitum, Công ty đã từng tung ra giải pháp Internet Security miễn phí đầu tiên trên thế giới là ông Vitali Yanko cho rằng, thực hiện nghiên cứu này, người của G Data đã có một chút "chập mạch". "Rõ ràng là họ đã đặt ra những câu hỏi để làm tăng số lượng người dùng không hài lòng với phần mềm diệt virus miễn phí và làm giảm tỷ lệ những người ủng hộ phần mềm diệt virus miễn phí xuống. Điều đó cũng dễ giải thích vì khác với đa số các nhà phát triển nổi tiếng, G Data không phát hành sản phẩm miễn phí. Theo cách nhìn nhận của tôi, người dùng phần mềm diệt virus miễn phí hiện phải cao hơn 1,5 - 2 lần còn những người không thỏa mãn với nó phải thấp hơn 1,5 - 2 lần". Cũng nên biết rằng, trong chuỗi sản phẩm của chính Công ty Agnitum, các sản phẩm miễn phí không phải là chủ lực.
Dẫn đầu về tỷ lệ người thích phần mềm diệt virus miễn phí là Pháp. 62% người được hỏi ở nước này sử dụng chúng trong máy tính của họ, trong đó, có đến 53% người Pháp tin tưởng phần mềm diệt virus miễn phí như tin vào phần mềm diệt virus thương mại vậy. "Cảm tình của người Pháp với phần mềm diệt virus miễn phí có thể giải thích được: Tại Pháp, giải pháp của nhà phát triển Rumani, Bitdefender, rất phổ biến. Mô hình tiếp thị của họ là cứ ra phiên bản phần mềm mới thì phiên bản cũ cho dùng miễn phí" - Vitali Yanko nói.
Alexander Erofeev lưu ý rằng, tại nhiều quốc gia, người dùng đều có thái độ hoài nghi với phần mềm diệt virus miễn phí và Nga cũng không nogại lệ. Tại các nước phát triển nói chung và ở Pháp nói riêng có thể chứng kiến khuynh hướng ngược nhưng khả năng nhiều hơn cả là người dùng bày tỏ sự tin tưởng với nhà cung cấp chứ không phải là với loại phần mềm.
Theo Erofeev, tỷ lệ tin tưởng vào phần mềm diệt virus lớn nhất là ở Brazil với mức độ phổ cập lên đến 90%. Ở Brazil có những chương trình nhà nước khuyến khích sử dụng phần mềm nguồn mở và phần mềm miễn phí.
Tuy nhiên, chi tiết bất ngờ nhất là kết quả nghiên cứu trình độ hiểu biết về bảo mật máy tính của dân chúng. Những người được hỏi được đề nghị đánh giá độ tin tưởng của 11 tuyên bố sai sự thật mà các nhà nghiên cứu gọi là những "chuyện hoang đường về an toàn máy tính". Người Nga thực hiện bài test tệ hơn tất cả vì họ tin tưởng tới 4 trong 11 "chuyện hoang đường". Họ tin rằng việc nhiễm virus lập tức khiến cho máy tính bị trục trặc và có thể nhận biết; rằng phần mềm mã độc thường gặp tại các site khiêu dâm hơn là các trang có chủ đề "lịch sự"; rằng máy tính không thể lây nhiễm virus nếu người dùng không mở các file bị nhiễm; và rằng kênh chính để truyền virus là thanh nhớ USB.
Xếp thứ hai về sự kém hiểu biết đối với bảo mật máy tính qua cuộc nghiên cứu là người Hà Lan. Người Hà Lan tin rằng tường lửa và việc không thăm viếng các trang web lạ giúp họ an toàn.