Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates trong tuần cuối tháng 6 ký quyết định thành lập cơ quan an ninh mạng trực thuộc Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ. Cơ quan mới sẽ làm việc từ tháng 10-2009 và lãnh đạo cơ quan này dự kiến là tướng Keith Alexander, hiện phụ trách an ninh quốc gia Mỹ.
Nhiệm vụ của Cơ quan an ninh mạng không chỉ là bảo vệ các mạng không gian điều khiển Mỹ mà còn có việc... tấn công mạng thông tin của đối phương.
Đề án F-35 bị bẻ khóa?
Trước khi cơ quan này ra đời, tháng 5-2009 Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký quyết định thành lập một bộ phận hành chính chuyên bảo đảm an ninh mạng. Trước đó năm 2008, tổng thống Mỹ G.Bush đã ra lệnh thành lập trong khuôn khổ Lầu Năm Góc “Đề án Manhattan”, mục tiêu thành lập những phương tiện và cách thức tiến hành các chiến dịch tấn công và phòng vệ trên các mạng thông tin.
McKinnon, 40 tuổi, quốc tịch Anh, bị cáo buộc bẻ khóa hơn 100 máy tính của Lầu Năm Góc và NASA từ năm 2001 để tìm thông tin về vật thể bay không xác định. Bị bắt tháng vào 3-2002, đến nay McKinnon tiếp tục cuộc chiến chống bị dẫn độ qua Mỹ xét xử. Nếu bị xử có tội, McKinnon có thể phải bị tù đến 70 năm. Ảnh: CBS |
Nhà thiết kế chính của loại máy bay tiêm kích đời mới F-35 Lightning II là Lockheed Martin cùng với Northop Grumman và BAE Systems. Theo WSJ, một số lỗ hổng trong hệ thống an ninh mạng của hai hay ba công ty nhà thầu nói trên đã tiếp tay cho các hacker sao chép được nhiều trang tin.
Những thông tin này quan trọng vô cùng bởi chúng giúp các đối thủ Mỹ chế tạo một phiên bản tấn công F-35. Tuy nhiên, giới chức Mỹ quả quyết bọn tin tặc không thu được những thông tin tối mật bởi các thông tin này được lưu giữ trong các máy tính không nối mạng. Ai là hacker? Tất cả ba nhà thầu hàng đầu của Lầu Năm Góc đều từ chối cung cấp thông tin.
Đại diện Công ty Lockheed Martin là Cheryl Amerine thì tuyên bố không biết gì về “những vụ bẻ khóa thành công đề án F-35” và khẳng định “thông tin của WSJ là sai”. Tuy nhiên, Cheryl thừa nhận “thường xuyên có những vụ tấn công vào mạng của công ty cũng như của Chính phủ Mỹ” dù đã có những biện pháp nghiêm túc để ngăn chặn các vụ thâm nhập này. Đại diện Lầu Năm Góc cũng tuyên bố không biết gì về vụ bẻ khóa F-35.
Hacker gia tăng tấn công
Trong bài báo trên, WSJ cũng cho biết chỉ trong nửa năm qua các hacker đã gia tăng mạnh hoạt động trên không gian điều khiển. Một nguồn giấu tên được tờ báo trích dẫn than phiền “chưa từng bao giờ có (mật độ tấn công) như thế” và hầu như “tất cả cơ quan nào đang hoạt động ở đất nước này” đều bị nhắm vào, cho dù đó là Lầu Năm Góc, cơ quan dân sự hay công ty tư nhân.
Tháng 5, Lầu Năm Góc báo cáo với quốc hội rằng Trung Quốc (TQ) đã trở thành cao thủ trong việc tiến hành “chiến tranh mạng”, bởi hi vọng cách này sẽ đền bù cho việc thiếu hiện đại của lực lượng vũ trang TQ. Những kết luận tương tự tiếp tục được đưa ra trong báo cáo tháng 10 trình trước Ủy ban quan hệ Mỹ - Trung, cáo buộc TQ bẻ khóa JSF vì TQ đang thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm nên thông tin về F-35 rất cần thiết cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, không chỉ TQ bị người Mỹ buộc tội. Tháng 11-2008, tổng thống Mỹ G.Bush đã được trình báo cáo về một vụ tấn công nữa vào mạng máy tính của Lầu Năm Góc mà các chuyên gia bảo mật giả định là do người Nga thực hiện.
Ngoài ra, tấn công mạng vi tính của Lầu Năm Góc không chỉ có các nước mà còn có thể là các hacker đơn lẻ. Chẳng hạn như vụ tấn công của Gary MacKinnon từng làm Bộ Quốc phòng Mỹ tốn hàng trăm nghìn đôla.
Đối phó
Theo thông tin của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, năm 2008 đã ghi nhận khoảng 18.000 vụ tấn công vào các trang web chính phủ. Khi đó người Mỹ đã khẳng định phải có một cơ quan thống nhất của Washington đảm trách an ninh mạng.
Những cuộc tấn công trên không gian điều khiển thời gian qua đã được gọi là một trong những hiểm họa chính cho nước Mỹ. Theo báo cáo về các mối nguy cho an ninh Mỹ được giới thiệu hồi tháng 2 của người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia Dennis Blair, từ thời tổng thống Bush, người Mỹ đã tính được việc phát triển an ninh mạng trong thời gian tới sẽ khiến Mỹ cần ít nhất 17 tỉ USD, nhưng dưới thời Tổng thống Obama chi phí có thể tăng lên. Chưa kể nhà cầm quyền Obama đang bày tỏ ngạc nhiên về sự lạc hậu của máy tính và hệ thống mạng của Chính phủ Mỹ.
Ngày 7-4, người ta được biết chỉ trong nửa năm Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi cho an ninh mạng ít nhất 100 triệu USD. Những chi tiết này do tướng John Davis phụ trách an ninh mạng của Bộ chỉ huy chiến lược tiết lộ.