Một mình Microsoft chống lại các hãng PC

Cuộc chiến đang trở nên căng thẳng dưới sức nóng của giá hệ điều hành Windows 7 do cả hai bên đều chật vật kiếm lời trong lúc giá phần cứng giảm, doanh số chậm lại.

Khi Microsoft chuẩn bị tung ra phiên bản hệ điều hành Windows mới nhất của mình vào mùa thu năm nay, người khổng lồ phần mềm và các nhà sản xuất PC đang chuẩn bị “chiến” nhau về giá. Kết quả của cuộc chiến này sẽ có tác động rộng lớn về chi phí và năng lực của các PC dành cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp.

Giá bán Windows 7 sẽ như thế nào vẫn còn là một câu hỏi. Ảnh: Gizmodo

Microsoft đặt nhiều kỳ vọng vào Windows 7, hệ điều hành dự định sẽ được giới thiệu vào tháng 10 tới. Hãng đang mong chờ Windows 7 sẽ chấm dứt những lời phàn nàn trong nhiều năm qua về hệ điều hành tiền nhiệm Windows Vista và sinh lợi. Những đánh giá ban đầu về Windows 7 là khá tốt nhưng vấn đề các nhà sản xuất PC thắc mắc nhất là giá cả và những tính năng của nó. Microsoft muốn tính giá 50 USD cho phiên bản cấp thấp, gọi là Windows 7 Starter Edition, theo các nhà sản xuất PC và các nhà phân tích. Giá đó gần gấp 3 lần giá phiên bản Windows rẻ nhất hiện thời.

Phiên bản Starter Edition cũng sẽ không có những tính năng chính như đồ họa và bảo mật cao cấp và Microsoft dự định tính tiền người dùng thêm 50 USD nữa để nâng cấp lên các phiên bản cao cấp của Windows 7. Các nhà sản xuất PC muốn Microsoft giảm phí đó. Cho đến nay, hãng phần mềm lớn nhất thế giới này đã từ chối đề nghị của các hãng PC. “Có vẻ Microsoft đang chú ý quá nhiều đến lợi nhuận của mình hơn là làm thế nào mở rộng thị trường”, Gianfranco Lanci, Giám đốc điều hành hãng máy tính Đài Loan Acer nói.

Microsoft từ chối thảo luận về các kế hoạch giá cả chi tiết. CEO Microsoft là ông Steve Ballmer đã tuyên bố phần mềm mới của họ sẽ là “phiên bản Windows tốt nhất từng có”.

Cái nút thắt này hướng đến một vấn đề lớn hơn của ngành công nghệ. Số PC được bán mỗi năm đang chững lại và giá bán bình quân rớt mạnh. Điều đó làm cho Microsoft, Intel, Hewlett-Packard và Dell – những công ty đã từng chia sẻ lợi nhuận từ một thị trường tăng trưởng nhanh chóng – chật vật hơn trong việc giành từng đồng đô la. “Những ‘gã’ (công ty) này cảm thấy như họ đang bị móc túi vậy”, Roger L. Kay, Chủ tịch hãng Endpoint Technologies Associates (Mỹ) nói.

Notebook, từng là phân đoạn thị trường lợi nhuận nhất, đã chứng kiến sự thay đổi kịch tính nhất. Giá bình quân đã giảm mạnh từ 1.420 USD năm 2004 xuống còn 788 USD, theo hãng nghiên cứu IDC. Giá bình quân notebook nay, lần đầu tiên, rẻ hơn giá bình quân desktop. Năm ngoái, giá notebook giảm với tốc độ nhanh hơn với sự phổ biến của netbook giá rẻ được thiết kế chủ yếu để kiểm tra email và lướt Web. Netbook với giá bán chưa đến 400 USD chiếm 1/5 tổng doanh số PC bán ra trên thị trường hiện nay.

Mối quan hệ rối rắm giữa Microsoft và các nhà sản xuất PC kết thúc với người thắng kẻ thua do lợi nhuận bị co lại. Các công ty PC trả từ 60 USD đến 150 USD cho Vista, song họ có thể sử dụng bản Windows XP với giá chỉ 15 USD cho netbook. Acer, HP và những nhà sản xuất khác thường chỉ kiếm được khoảng 20 USD lợi nhuận từ mỗi chiếc netbook 400 USD. Nếu Microsoft tăng giá hệ điều hành cho mỗi cỗ máy như vậy đến 50 USD thì các nhà sản xuất PC phải tăng giá bán hoặc chấp nhận hết sạch lợi nhuận. “Có những vấn đề chúng tôi vẫn cần phải tìm cách giải quyết”, Phil McKinney, giám đốc công nghệ của HP nói. Ông từ chối bình luận cụ thể về giá Windows tương lai.

Giá Windows có thể tăng mạnh hơn đối với các mẫu máy khác. Microsoft đã nói các nhà sản xuất PC rằng bản Starter Edition 50 USD sẽ chỉ dành cho netbook với màn hình có kích cỡ nhỏ hơn 10,2 inch và chip không có đủ năng lực chơi hầu hết các game hoặc video. Các netbook lớn hơn sẽ phải sử dụng Windows 7 Home Premium, phiên bản sẽ làm tăng thêm 200 USD mỗi máy, theo ông Mike Abary, Phó chủ tịch cấp cao bộ phận Vaio PC của Sony. Điều đó có thể đẩy giá bán lẻ mỗi máy dòng trung lên đến 50%, từ 400 USD – 600 USD.

Tình hình này đặt Microsoft vào tình thế khó xử. Nếu công ty hạ thấp giá Windows 7, doanh thu và lọi nhuận của họ có thể bị tổn hại. Nếu họ giữ giá cao, các nhà sản xuất PC có thể PC cân nhắc các giải pháp khác như hệ điều hành nguồn mở Linux chẳng hạn.

Google đang cung cấp cho các nhà sản xuất PC một sự lựa chọn khác. Người khổng lồ tìm kiếm này đã phát triển hệ điều hành Android, ban đầu chỉ dành cho các điện thoại di động cao cấp. Song phần mềm này có thể được áp dụng với các notebook và các nhà sản xuất PC chẳng phải trả đồng nào cho nó mặc dù thường phần mềm vẫn phải có các chi phí phát triển. Acer, hãng netbook lớn nhất, hồi tháng Năm nói họ sẽ bắt đầu bán netbook chạy Android mùa hè này.

Cả Microsoft và các hãng PC muốn tìm cách để thuyết phục khách hàng bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho PC. Mùa hè này, HP, Acer, Toshiba và các hãng PC khác sẽ thử quyến rũ người mua bằng những mẫu laptop cao cấp thời trang. Ý tưởng này là cung cấp những cỗ máy với hình thức đua theo thời trang nhằm cạnh tranh với MacBook Air của Apple nhưng giá chỉ bằng một nửa. Những chiếc notebook sẽ bán với giá từ 600 USD đến 900 USD với tuổi thọ pin lâu hơn, màn hình và bàn phím lớn hơn, năng lực mạnh hơn netbook. “Các khách hàng của chúng tôi nói với chúng tôi rằng họ muốn những chiếc PC di động, nhỏ với tính năng vượt trên các hoạt động Internet cơ bản và có khả năng mạnh hơn để họ có thể chơi game, xem ảnh và xem video
”, Brad Brooks, phó chủ tịch mảng tiếp thị sản phẩm tiêu dùng Windows của Microsoft nói.

Cũng vậy, các nhà sản xuất PC muốn có thể đem đến cho người dùng sự lựa chọn PC đa dạng. Họ nói Microsoft phải giảm nhu cầu của mình đối với Windows 7 để giữ cho miếng bánh thị trường tăng trưởng mạnh. “Chúng tôi phải có cùng nghị trình”, ông Lanci của Acer nói, “Nếu chúng tôi có những nghị trình khác nhau thì rất là khó”.

Thứ Bảy, 20/06/2009 08:10
31 👨 512
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp