Mở cánh cửa hoà nhập cho người khuyết tật

Đang làm giám đốc dự án cho một Tập đoàn CNTT lớn ở Mỹ, anh Đỗ Văn Du đã đưa cả gia đình về Việt Nam để thành lập một công ty CNTT cho người khuyết tật ở Việt Nam. Ý tưởng này đã nung nấu trong anh hơn 30 năm, nay mới thành hiện thực.

Tiếp tôi tại căn phòng nằm trong toà cao ốc hiện đại ở 101 Láng Hạ (Hà Nội), anh Đỗ Văn Du kể cho tôi nghe về hành trình để thành lập một công ty CNTT của người khuyết tật (NKT) tại Việt Nam. Mở đầu câu chuyện, anh nhắc đi nhắc lại câu nói: “Nhà báo nên hiểu đây không phải là một dự án từ thiện mà là một công ty CNTT của NKT, vì NKT và dành cho NKT ở Việt Nam”. Khi được hỏi tại sao anh lại có ý tưởng lập một công ty CNTT dành riêng cho NKT, anh nói: “Từ những trải nghiệm cuộc sống của chính mình, tôi thấy rằng chỉ có CNTT là thích hợp nhất với NKT. Sức khoẻ là điểm hạn chế nhất của NKT, làm việc trong ngành CNTT, NKT vận dụng trí tuệ nhiều hơn là sức khoẻ.

Trải nghiệm của chính mình

Sinh năm 1952 tại Thừa Thiên Huế, năm 14 tuổi, anh Du bị tai nạn chiến tranh cướp mất đi 1 tay và 1 chân. Năm 1971 (19 tuổi), anh được đi du học ngành kiến trúc ở Mỹ. Làm việc trong ngành kiến trúc không lâu anh đi học 1 năm chương trình đào tạo CNTT cho NKT và anh bắt đầu đi làm việc cho ngành CNTT tại Mỹ. Tính đến năm 2001, anh đã làm việc cho trên 10 công ty CNTT tại Mỹ, ở các vị trí từ lập trình viên cho đến giám đốc dự án. Trước khi quay trở về Việt Nam, anh đang làm giám đốc một dự án phần mềm cho Tập đoàn EDS (một tập đoàn CNTT lớn ở Mỹ có tới 140.000 nhân viên đang làm việc trên toàn thế giới).

Anh kể rằng, ngay từ khi theo học chương trình CNTT cho NKT, anh đã nung nấu ý tưởng sẽ quay trở về Việt Nam để giúp NKT tiếp cận được với CNTT, nhưng khi đó cá nhân anh chưa có đủ điều kiện. Trung tâm CNTT cho NKT ở Mỹ, nơi anh theo học, đã đào tạo ra hàng ngàn lập trình viên, sau đó hầu hết họ ra làm việc với mức lương rất cao từ 20.000 - 60.000 USD/tháng. Trong đó, có những người bị tê liệt từ vai trở xuống, khiếm thị, khiếm thính nhưng vẫn có công cụ hỗ trợ cho họ làm việc với máy tính hiệu quả như người bình thường. Anh nhận thấy mình là một trong những NKT may mắn được sớm tiếp cận với CNTT, thành đạt nhờ CNTT và anh nung nấu trong mình ý tưởng sẽ trở về để hỗ trợ NKT Việt Nam đến được với CNTT. Cho đến năm 2003, Sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã mời anh về làm việc tại Việt Nam và từ đó anh đã tham gia nhiều dự án dành cho NKT, giúp NKT hoà nhập với cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo và hỗ trợ NKT ở Mỹ cho Việt Nam. Và thời cơ để anh thực hiện ý tưởng đưa CNTT đến với NKT đã có cơ hội biến thành hiện thực. Cuối năm 2006 vừa qua, công ty CNTT của NKT mang tên PWD Soft đã ra đời, với toàn bộ trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ hội hoà nhập

PWD Soft là nơi mà NKT được lo trọn gói cả đầu vào và đầu ra. PWD Soft tổ chức đào tạo CNTT miễn phí toàn bộ. Khi trình độ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc, công ty sẽ nhận các gia công phần mềm để chính những người này làm việc và họ sẽ được trả lương xứng đáng. Anh Du cho biết, tất cả những NKT đã học hết phổ thông trung học trở lên, năng động, biết tiếng Anh sẽ được nhận đào tạo. Công ty đặc biệt ưu tiên đào tạo lại cho NKT đã có bằng cử nhân, cao đẳng hay trung cấp về CNTT nhưng chưa có việc làm, sau đó sẽ nhận họ vào làm việc ngay tại công ty. “Tôi quan tâm nhất là phải làm sao đào tạo lập trình viên đạt tiêu chuẩn quốc tế”, anh Du nói. Từ mục đích phi lợi nhuận, PWD Soft đã nhận được sự ủng hộ của 3 doanh nghiệp CNTT có uy tín, đó là 2 doanh nghiệp trong nước: DTT và Hanoi CTT, 1 doanh nghiệp của Mỹ - nơi trước kia anh Du đã từng làm việc là EVIZI. 3 doanh nghiệp này sẽ cử các chuyên gia giỏi hỗ trợ anh Du đào tạo trong 3 lĩnh vực. Tuỳ theo trình độ của từng người, NKT sẽ được học các khoá về lập trình viên, kiểm toán hay chỉ đơn giản là nhập dữ liệu vào các chương trình phần mềm. Người học sẽ được học từ 6 tháng - 1 năm mới ra làm việc, nhưng trong suốt quá trình làm việc họ sẽ liên tục được đào tạo nâng cấp. PWD Soft sẽ là đối tác của 3 doanh nghiệp trên trong việc thực hiện các hợp đồng, dự án CNTT do các doanh nghiệp này chuyển giao.

Hiện công ty mới có 4 nhân viên và họ đã học qua CNTT, họ đến đây vừa học tập nâng cao trình độ vừa giúp anh Du tổ chức các hoạt động của công ty. “Tôi dự định năm 2007 sẽ đào tạo khoảng 50 người làm việc, sau đó sẽ mở cả chi nhánh ở TPHCM. Nếu thành công sẽ có ít nhất 300 NKT sẽ được đào tạo và ra làm việc trong 3 lĩnh vực của CNTT là: Lập trình, kiểm toán và nhập liệu. Những người giỏi còn có cơ hội làm việc trong các dự án của các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Những người làm việc lâu năm sẽ có cổ phần trong PWD Soft”, anh Du cho biết. Khó khăn lớn nhất hiện nay, đó là việc tìm được người học có đủ kiến thức cơ bản về tin học. Vì ở Việt Nam, NKT vào học ở trường riêng, hoặc không được đi học cho nên khả năng tiếp cận CNTT của họ rất hạn chế, rất khó hoà nhập với môi trường công nghệ cao.

Rất khiêm tốn và giản dị, anh Du không tiết lộ cho tôi biết anh đã đầu tư vào công ty bao nhiêu tiền. “Đối với tôi tiền bạc rất nhỏ bé, cái tâm mình mới là cái lớn. Phải nhiệt tình, phải tâm huyết mới làm được. Tôi là một NKT mới nên hiểu rõ được NKT cần gì. Và tôi hiểu là chỉ có CNTT mới làm cho NKT có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập cao, có thể hãnh diện với xã hội. Với PWD Soft nhiều NKT sẽ có cơ hội trở thành nhân tài CNTT cho đất nước”. Anh Đỗ Văn Du đã kết thúc câu chuyện như vậy.

Minh Quyên

Thứ Hai, 12/02/2007 09:21
41 👨 208
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp