“Hơn 90% kiến trúc sư phần mềm và lập trình viên của Microsoft đang làm việc và phát triển các ý tưởng cho nền tảng đám mây” – ông Stephane Kimmerlin, Giám đốc Tiếp thị của Microsoft Việt Nam tiết lộ.
Đám mây giúp tăng tốc ứng dụng CNTT
Ý tưởng nền tảng của điện toán đám mây (ĐTĐM) ra đời từ khá lâu nhưng cho đến gần đây mới trở nên khả thi, do sự bùng bổ của Internet và công nghệ mạng. Phần lớn các máy tính ngày nay đều có kết nối mạng, nên việc chạy các ứng dụng trên các máy chủ dịch vụ sẽ làm tiết kiệm khá nhiều chi phí cho người dùng cuối, tăng cường khả năng bảo mật thông tin.
Với ĐTĐM, việc triển khai CNTT trở nên nhanh chóng, không cần phải có cơ sở hạ tầng nội bộ; không phụ thuộc vào các ứng dụng trên máy, do đó tiết giảm chi phí nâng cấp ứng dụng. Sử dụng ĐTĐM cũng làm giảm bộ máy nhân sự kỹ thuật cồng kềnh, lại dễ dàng thay đổi quy mô khi cần thiết.
Với các tổ chức, cơ quan, đặc biệt là những nơi thiếu năng lực về CNTT và chi phí đầu tư ban đầu, vốn rất phổ biến ở Việt Nam, ĐTĐM giúp cải thiện những yếu tố đang cản trở việc ứng dụng CNTT.
Dự báo về đám mây
Cho đến năm 2012, ít nhất 35% doanh nghiệp cỡ vừa của Mỹ sẽ sử dụng các giải pháp ĐTĐM và 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới sẽ sử dụng các ứng dụng dựa trên các giải pháp ĐTĐM, theo IDC dự báo. Vào năm 2014, thị trường chung cho dịch vụ đám mây có giá trị 55 tỷ USD (tăng gấp 3 lần năm 2009).
Còn theo Gartner, tổng giá trị cho các dịch vụ đám mây hiện thời là gần 2,4 tỷ USD. Vào năm 2013, thị trường sẽ đạt được giá trị gần 8,1 tỷ USD.
Việt Nam và mục tiêu mới của Microsoft
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2010, Tổng Giám đốc Tập đoàn Microsoft Steve Ballmer đã có nhiều hoạt động liên quan đến ĐTĐM như tham gia lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Microsoft với FPT về thúc đẩy phát triển ĐTĐM; nói chuyện với sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội về ĐTĐM. Steve Ballmer khẳng định việc hợp tác với FPT là một trong những bước đi đầu trong nỗ lực đưa ĐTĐM đến Việt Nam và ông tin Việt Nam cũng sẽ tiếp cận với ĐTĐM như những xu hướng công nghệ khác trong thời gian sớm nhất.
Trọng tâm của bản ghi nhớ giữa Microsoft và FPT là việc phát triển nền tảng ĐTĐM sử dụng công nghệ của Microsoft; hai bên cùng hướng đến việc phát triển nền tảng cho các dịch vụ đám mây bao gồm truyền thông, hợp tác, lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ hạ tầng nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo khách hàng.
Có thể thấy, Microsoft đang đưa Việt Nam thành một phần trong chiến lược ĐTĐM của mình. Ông Steve Ballmer đã khẳng định vai trò quan trọng của các đối tác như FPT trong việc theo đuổi xu hướng ĐTĐM.