Microsoft hậu Bill Gates

Thế là Bill Gates – người sáng lập tập đoàn Microsoft, đã chính thức nhường vị trí chỉ huy cho Steve Ballmer từ ngày 1-7 vừa qua. Vấn đề tìm người kế vị ông Bill đã được giải quyết nhưng thách thức đối với “Microsoft hậu Bill Gates” vẫn còn đó: duy trì mức tăng trưởng, cạnh tranh với Google và đương đầu với Apple.

Steve Ballmer khóc ròng. Ông cố nói nhưng không tìm được lời lẽ. Nhiều phút trôi qua trước khi ông kịp trấn tĩnh. Cử tọa gồm 130 viên chức cấp cao của Microsoft kiên nhẫn chờ đợi. Họ cũng sụt sịt khóc. Họ biết vị CEO của mình đang hết sức xúc động vì hội nghị ban lãnh đạo lần này – tổ chức tại một khu nghỉ mát phía bắc thành phố Seattle vào cuối tháng Ba vừa qua – là hội nghị cuối cùng có sự tham dự của nhà sáng lập công ty, Bill Gates, cũng như của Jeff Raikes, một trong các nhà quản trị làm việc tại công ty ngay từ ngày đầu thành lập. Sau hội nghị, ông Jeff sẽ chuyển sang làm CEO của Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates, còn ông Bill Gates chỉ làm việc cho Microsoft đến hết tháng Sáu. “Trong đời mình, tôi sống với hai người này nhiều hơn với bất kỳ ai. Bill và Jeff đã luôn là ngôi sao Bắc Đẩu chỉ hướng cho tôi đi. Nay tôi chỉ còn dựa vào tất cả các bạn,” cuối cùng thì ông Steve Ballmer cũng nói ra được những điều ông ấp ủ.

Các quản trị viên cao cấp của Microsoft đã chứng kiến sự kết thúc một kỷ nguyên. Sự ra đi của Bill Gates đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tương lai của Microsoft : liệu tập đoàn không lồ với doanh số hàng năm 60 tỷ đô-la Mỹ này có tìm được con đường để tiếp tục tăng trưởng hay không ? Liệu ông Ballmer và tập thể của mình có thành công trong việc làm cho các sản phẩm của công ty thích nghi được với một thế giới ngày càng đi theo hướng trực tuyến hay không ? Nói ngắn gọn, liệu Microsoft có điều kiện để thăng tiến khi không còn nhà sáng lập Bill Gates ở vị trí cầm lái ?

Di sản của Bill Gates

Thật ra, Bill Gates để lại cho Steve Ballmer một tập đoàn Microsoft vừa mạnh vừa yếu. Ngay trước khi Bill Gates ra đi, Microsoft đã đối mặt với những thách thức to lớn. Mùa xuân này, Microsoft dưới sự dẫn dắt của Steve Ballmer, đã thất bại trong nỗ lực mua lại Yahoo và khiến Yahoo rơi vào vòng tay săn đón của đối thủ Google. Năm ngoái, việc công bố hệ điều hành Windows mới – Windows Vista – là một thất bại thảm hại cả về tiếp thị lẫn quan hệ với công chúng. Quan trọng hơn, trong lúc ngành công nghệ phần mềm thế giới đang vận hành theo hai hướng, một là gắn kết sản phẩm với quảng cáo như Google, hoặc sử dụng sản phẩm như một dịch vụ trực tuyến, thì Microsoft vẫn kiên trì với việc kinh doanh phần mềm đóng gói và mờ nhạt trong cả hai hướng nêu trên. Rồi còn Apple. Từ iPod tới iMac rồi iPhone, Apple đã thật sự “làm mưa làm gió” trên thị trường công nghệ thông tin. Theo số liệu của Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC) thị phần máy tính cá nhân của Apple ở Mỹ tăng nhanh khủng khiếp, từ 5,1% năm ngoái lên 7,4% trong quý 1 năm nay. Tệ hại hơn, mẩu quảng cáo trên truyền hình “Hãy mua máy Mac” của Apple là đòn tấn công gián tiếp vào hệ điều hành Windows và loại máy tính sử dụng Windows. Mà Windows là “tác phẩm để đời” của Bill Gates, là cốt lõi của Microsoft mà Bill Gates và cộng sự đã mất 33 năm phát triển. Tất cả những thất bại này đang làm cho hình ảnh Microsoft bị hoen ố đáng kể.

Nhưng dù vậy, Microsoft vẫn còn rất mạnh. Hãy nhìn vào các con số: trong năm tài chính 2007-2008 vừa kết thúc ngày 30-6 vừa qua, doanh số của Microsoft tăng 18%, lợi nhuận tăng 27%, lên mức 18 tỷ đô-la Mỹ. Và so với 10 năm trước, Microsoft đã lớn lên, kinh doanh đa ngành và đa dạng hơn rất nhiều. Bất chấp sự thất bại của phiên bản Vista, hệ điều hành Windows vẫn là con bò sữa sản sinh ra lợi nhuận cho Microsoft. Theo ngân hàng Goldman Sachs, năm tài chính vừa qua, doanh số của Windows tăng 11,3%, lên 16,7 tỷ đô-la Mỹ và 75% trong số đó là lợi nhuận ròng. Và giới quan sát cho rằng, duy trì được tính đa đạng và tốc độ tăng trưởng như vậy chính là thách thức lớn nhất cho Steve Ballmer và tập thể của ông.

Bộ máy mới

Là bạn cùng phòng với Bill Gates từ thời đại học, Steve Ballmer, 52 tuổi, sớm được Bill Gates chọn làm người kế tục. Ông được Bill mời từ tập đoàn P&G về làm chủ tịch Microsoft năm 1998, trở thành CEO vào năm 2000 và được chuyển giao dần công việc lãnh đạo kinh doanh khi Bill Gates nảy ra ý định rút lui khoảng 10 năm trước. Giờ đây, theo các chuyên gia của Microsoft, ông Steve Ballmer không chỉ sành sỏi về kỹ năng lãnh đạo mà còn đang tự làm mới mình để đảm nhiệm cương vị mới. Mich Mathews, giám đốc tiếp thị, nói: “Ông ấy từng là người rất chi li nhưng đã thay đổi nhiều lắm. Bây giờ ông ấy là tổng chỉ huy”. Trong hai năm qua, kể từ khi Bill Gates chính thức công bố việc rút lui, Steve Ballmer đã kịp xây dựng một ê-kip quản lý để điều hành “Microsoft hậu Bill Gates”. Vai trò của Bill Gates như là kiến trúc sư trưởng các sản phẩm phần mềm và nhà chiến lược công nghệ sẽ được phân chia cho Ray Ozzie – 52 tuổi, cha đẻ của chương trình

Bill Gates và Steve Ballmer. Lotus Notes, Chủ tịch Công ty Groove Networks trước khi sáp nhập vào Microsoft năm 2005 và Craig Mundie – 58 tuổi, bạn thâm giao của Bill Gates, người phụ trách mảng nghiên cứu và phát triển có ngân sách hàng năm 8 tỷ đô-la và lãnh đạo về chiến lược công nghệ dài hạn. Ở cấp thấp hơn, Steve Ballmer có Kevin Johnson – 47 tuổi nhưng đã làm việc cho Microsoft 16 năm trong cương vị giám đốc bán hàng toàn cầu, sẽ phụ trách mảng Windows và dịch vụ trực tuyến; Stephen Elop – 44 tuổi, thay ông Jeff Raikes điều hành bộ phận phần mềm doanh nghiệp mà trọng tâm là Microsoft Office, có ngân sách 19 tỷ đô-la; Bob Muglia – 48 tuổi, đã làm cho Microsoft 20 năm trong cương vị phụ trách bộ phận máy chủ và công cụ, sẽ giám sát bộ phận sản xuất các chương trình phức tạp vận hành bên trong cơ sở hạ tầng kinh doanh của doanh nghiệp và cuối cùng là Robbie Bach – 46 tuổi nhưng cũng đã đóng góp cho công ty 20 năm làm việc, sẽ phụ trách bộ phận giải trí, gồm cả hệ thống máy trò chơi Xbox và phần mềm cho điện thoại di động.

Ở mảng kinh doanh, Steve Ballmer cũng đã kịp quy tụ một đội ngũ tài giỏi, nổi bật có Chris Liddell, 50 tuổi, giám đốc tài chính mới được mời về từ Công ty International Paper và Kevin Turner, nguyên giám đốc thông tin của tập đoàn Wal-Mart vừa mới được mời về làm giám đốc hoạt động (COO) của Microsoft.

Thách thức của sự tăng trưởng

Cùng với tập thể này, Steve Ballmer đã bắt tay vào việc khắc phục những khó khăn mà Bill Gates để lại. Áp lực nặng nhất là giữ mức tăng trưởng. Ông tính ra rằng, để duy trì mức phát triển 15% mỗi năm thì trong năm tài chính 2008-2009 hiện thời, công ty phải tăng thêm được 4 tỷ đô-la lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia hàng đầu của thị trường chứng khoán Wall Street, đưa ra dự báo rằng mức tăng lợi nhuận của Microsoft sẽ chậm lại, chỉ đạt 13% trong năm 2009 và 10% vào năm 2010. Trên thị trường giá cổ phiếu của Microsoft gần như không có biến động đáng kể trong suốt sáu năm qua mà chỉ dao động ở mức chỉ số P/E từ 20 đến 29. Hiện thời, cổ phiếu của Microsoft có mức giá bằng 16 lần mức lợi nhuận bình quân 12 tháng (P/E=16), nghĩa là thấp hơn mức bình quân P/E=22 của chỉ số S&P 500 cho dù trong năm tài chính vừa qua, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Microsoft là 31%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 8,3% của các doanh nghiệp trong danh sách S&P 500.

Để huy động được vốn liếng cho các dự án lớn trong tương lai, Steve Ballmer phải làm sao nâng cao được kỳ vọng của cổ đông, của các nhà đầu tư đối với hoạt động của công ty; mà điều này không dễ trong hoàn cảnh kinh tế chậm lại, sức mua và vốn đầu tư đều giảm sút. Thuận lợi lớn của Microsoft là công ty đã toàn cầu hóa nhanh chóng dưới thời Bill Gates. Đến nay, hai phần ba doanh số của công ty đến từ ngoài nước Mỹ và ông Ballmer hy vọng tỷ lệ này sẽ tăng cao hơn nữa. Theo IDC, những thị trường phát triển nhanh nhất của Microsoft là Đông và Trung Âu, Mỹ châu Latin và Đông Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Nước Nga, thị trường lớn thứ năm của Microsoft, hiện có mức tăng trưởng mỗi năm hơn 100% và theo số liệu của Microsoft, số người dùng Windows trên thế giới đã nhiều hơn số người nói được tiếng Anh.

Có điều, theo giám đốc tài chính Liddell, kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu của Microsoft không cao vì người ta chỉ chú mục vào khoản kinh doanh thua lỗ của bộ phận trực tuyến Windows Live Services, bao gồm cỗ máy tìm kiếm của Microsoft và chương trình Hotmail – mỗi năm lỗ khoảng 3,3 tỷ đô-la, tương đương với 6% doanh số của công ty, mà không nhìn thấy quy mô rộng lớn trong các hoạt động của Microsoft.

Cạnh tranh với Google

Để hỗ trợ Ballmer “cắt lỗ” trong thời gian tới, Bill Gates đã cam kết sẽ dành mỗi tuần hai giờ rưỡi cho bộ phận kinh doanh trực tuyến của Microsoft, giúp họ đương đầu với đối thủ hùng mạnh Google. Sự thống trị hầu như toàn diện của Google trong lĩnh vực tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến tiếp tục đe dọa khả năng của Microsoft trong một lĩnh vực mà Ballmer tin chắc rằng đang có tiềm năng tạo ra doanh số lớn và lợi nhuận lớn. Cho đến nay, quảng cáo trực tuyến mới chỉ thu hút được 40 tỷ trong tổng số 500 tỷ đô-la Mỹ doanh thu quảng cáo nói chung trên toàn thế giới, nhưng ông Ballmer tin rằng chỉ hai năm nữa, nó sẽ lên gấp đôi, tức 80 tỷ đô-la.

Bắt đầu cuộc cạnh tranh với Google giành quảng cáo trực tuyến, Microsoft đã đầu tư lớn chưa từng thấy vào cơ sở hạ tầng. Năm nay Microsoft sẽ bỏ ra 1,7 tỷ đô-la xây dựng các hệ thống máy chủ, các trung tâm dữ liệu để phục vụ cho cỗ máy tìm kiếm của mình là Live Search. Thuận lợi là sau năm năm nghiên cứu cơ bản về công nghệ tìm kiếm, giờ đây Microsoft và trang chủ Live.com của mình đã bắt kịp các đối thủ Yahoo! và Google, ít ra là về phương diện tính phù hợp của kết quả tìm kiếm.

Nhưng thu hút khách hàng đang sử dụng công cụ tìm kiếm của Google và Yahoo chuyển sang Live.com là chuyện thiên nan vạn nan; chẳng những thế mà thị phần của Live.com ngày càng sút giảm. Theo công ty dữ liệu Comscore, trong năm tháng đầu năm nay, thị phần của Microsoft trong lĩnh vực tìm kiếm giảm từ 9,8% xuống 8,5%; của Google tăng lên 62% và của Yahoo tăng lên 21%. Việc trả giá 47,5% tỷ đô-la để mua lại Yahoo – cao hơn 62% so với giá cổ phiếu của Yahoo trên thị trường – là cốt lõi trong chiến lược của Steve Ballmer nhằm cạnh tranh với Google; tiếc thay nỗ lực đó đã thất bại. Nhưng do tầm quan trọng của vấn đề, Steve Ballmer không bỏ cuộc. Dù tuyên bố công khai rằng cuộc đàm phán với Yahoo “đã kết thúc”, Steve Ballmer vẫn âm thầm thuyết phục đối thủ. Ngày 18-5 vừa qua, Microsoft đưa ra một đề nghị khác: mua lại bộ phận tìm kiếm của Yahoo với giá 1 tỷ đô-la đồng thời đầu tư 8 tỷ đô-la nữa vào Yahoo thay vì mua lại toàn bộ tập đoàn này. Một lần nữa, đề nghị của Microsoft bị bác bỏ. Hiện nay có tin Microsoft đang cậy nhờ tập đoàn News Corp của tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch và gã khổng lồ American Online (AOL) đứng ra gây áp lực với Yahoo. Mới đây, Steve Ballmer cho biết sẽ nối lại các cuộc thương thảo nhằm mua lại một phần hoặc toàn bộ Yahoo nếu sau kỳ đại hội cổ đông ngày 1-8 sắp tới Yahoo có ban lãnh đạo mới thay cho Jerry Yang và ê-kip “cứng đầu” của ông ta. Tuyên bố này của Ballmer là ngón đòn hậu thuẫn cho tỷ phú Icahn – người nắm giữ 4% cổ phần của Yahoo! – có thêm sức mạnh buộc Yahoo thay đổi ban lãnh đạo. Câu chuyện lùm xùm “Microsoft-Yahoo” kết thúc thế nào thời gian sẽ cho biết. Nếu thôn tính được Yahoo, việc kinh doanh dịch vụ tìm kiếm của Microsoft sẽ tăng gấp ba lần, sẽ càng có nhiều lợi nhuận từ quảng cáo trực tuyến. Ngược lại, nếu Yahoo liên kết với Google như hiện thời, hoạt động kinh doanh trực tuyến của Microsoft coi như cáo chung, nhường toàn bộ sân chơi cho Google tung hoành ngang dọc.

Đối đầu với Apple

Trong lúc cuộc cạnh tranh với Google mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai phát triển của Microsoft thì cuộc đối đầu với Apple là cuộc chiến đấu vì danh dự. Mẩu quảng cáo “Hãy mua máy Mac” phát liên tục hai năm trên truyền hình của Apple là đòn sinh tử gián tiếp giáng vào uy tín của hệ điều hành Windows, góp phần đẩy giá trị thương hiệu toàn cầu của Microsoft từ vị trí thứ 11 vào năm 2004 xuống vị trí 59 hiện nay. Tai hại là thông tin trong mẩu quảng cáo này lại được “minh chứng” và củng cố bởi thất bại thảm hại của hệ điều hành Windows Vista – mặc dù đã có 140 triệu chiếc máy tính xuất xưởng với hệ điều hành Vista cài sẵn, nhưng không cần phải là chuyên gia mới nhận thấy phiên bản Windows này có quá nhiều lỗi ngớ ngẩn. Ban quản trị Microsoft hy vọng, phiên bản mới của Windows – có tên Windows 7, xuất xưởng vào năm 2009 – sẽ khắc phục những lỗi lầm này và mở ra một chương mới của Windows trong đó hệ điều hành máy tính chỉ là một phần của Windows, hoạt động bên cạnh những chương trình điều hành điện thoại di động và web.

Cụ thể, theo tiết lộ từ các viên chức cao cấp của Microsoft, năm 2009 Microsoft sẽ hiện thực hóa câu khẩu hiệu có từ thời Bill Gates : “phần mềm cộng dịch vụ” - phiên bản Windows 7 sẽ cùng với phiên bản mới nhất của Windows Mobile (điều hành điện thoại, PDA) và Windows Live (dịch vụ trực tuyến) sẽ kết hợp thành một gói, cung cấp cho người sử dụng mọi thứ cần thiết để họ không phải tìm tới những công ty phần mềm khác. “Chúng tôi đánh cược rằng mối quan hệ gần gũi giữa máy tính cá nhân (PC), điện thoại và web chính là cái mà khách hàng mong muốn,” Bill Veghte, phụ trách cả Windows và Live Search của Microsoft, nhận xét.

Nhưng chờ đến 2009 thì lâu quá. Để “phản pháo” lại đòn quảng cáo của Apple, Steve Ballmer đã chuẩn bị một chiến dịch quảng cáo kéo dài ba năm, bắt đầu từ cuối năm nay, nhằm khôi phục uy tín và hình ảnh của Windows nói riêng, của thương hiệu Microsoft nói chung. Chỉ huy chiến dịch là Bill Veghte, cùng với giám đốc tiếp thị Mich Matthews và một đội ngũ những nhân viên xuất sắc nhất trong các lĩnh vực thương hiệu, bao bì, quảng cáo trực tuyến… tập hợp trong một “lực lượng đặc nhiệm” mang mã số FTP168. Đội đặc nhiệm này làm việc mỗi tuần hai ngày để vạch ra một chiến lược quảng bá, nói với khách hàng những việc họ có thể làm với chiếc máy tính chạy Windows mà trước đây họ chưa bao giờ biết tới. Ngay trong năm nay, Steve Ballmer đã quyết định chi thêm 200 triệu đô-la cho việc quảng cáo hệ điều hành Windows – một việc chưa từng có dưới thời Bill Gates bởi vì trong một năm không phát hành phiên bản Windows mới thì không có lý do gì để tăng ngân sách quảng cáo.

Bill Gates có thay thế được không?

Ngoài những hoạt động mang tính cạnh tranh với hai đối thủ truyền kiếp là Google và Apple nói trên, Steve Ballmer đang âm thầm tiến hành những vụ dàn xếp nhằm đảm bảo cho Microsoft có lợi thế phát triển. Mới đây, Microsoft đã ký thỏa thuận hợp tác với Hewlett-Packard (HP), theo đó tất cả các máy tính HP mới xuất xưởng đều có cài đặt sẵn công cụ tìm kiếm Live Search của Microsoft, đối lập với một thỏa thuận tương tự giữa Google và Dell.

Steve Ballmer cũng âm thầm thỏa thuận với Coca-Cola để cung cấp cho công ty này một hệ thống lưu trữ, trao đổi, xử lý thư điện tử nội bộ gọi là Exchange Online mà theo đó 70.000 tài khoản e-mail của nhân viên Coca-Cola trên toàn thế giới sẽ được lưu trữ và xử lý trên máy chủ dành riêng đặt tại trung tâm dữ liệu của Microsoft. Ballmer hy vọng, thành công với Coca-Cola sẽ mở đầu cho việc quảng bá hệ thống thư điện tử Microsoft Exchange vào các doanh nghiệp có trên 5.000 tài khoản thư điện tử - các doanh nghiệp sẽ không còn lo nạn thư rác, phần mềm gián điệp (spyware)… mà Microsoft cũng có được một nguồn doanh thu to lớn.

Nhiều người từng nghĩ rằng, Bill Gates không thể thay thế được trong vai trò người chỉ huy Microsoft, kiến trúc sư trưởng về công nghệ của tập đoàn. Song, qua những hoạt động mà Steve Ballmer và đội ngũ của ông ta kiên trì triển khai từ khi Bill Gates công bố ý định rút lui, người ta thấy nổi lên một nhà kinh doanh sừng sỏ cùng một tập thể những “tay chơi” trẻ trung, sáng tạo sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách. Có điều, như Steve nói, dù thay đổi người lãnh đạo, Microsoft vẫn luôn đi đúng phương châm mà Bill Gates đã vạch ra; khi ấy dù Bill Gates có mặt ở công ty hay không cũng không phải là vấn đề.

Bốn ý tưởng chiến lược của Microsoft

1. Phần mềm vạn năng: Bill Gates tin rằng phần mềm có thể làm được mọi việc. Ba mươi ba năm qua Bill Gates xây dựng Microsoft thành một tập đoàn phần mềm ngày càng mở rộng. “Ngày nay Microsoft vẫn nghĩ về mình như một công ty phần mềm thuần túy – không phải là một công ty phần mềm đặc thù, không chỉ có hệ điều hành máy tính, phần mềm xử lý văn bản hoặc bảng tính. Ở đâu cần có phần mềm thì đó là lĩnh vực của Microsoft”, Craig Mundie – người kế tục Bill Gates làm kiến trúc sư công nghệ của Microsoft, nhận xét.

2. Kỹ sư là người thống trị: Trong 90.000 nhân viên Microsoft có 30.000 kỹ sư lập trình. Các nhóm kỹ sư tham gia vào mọi quyết định quan trọng của công ty. Họ không chỉ được trả lương cao hơn các nhân viên khối kinh doanh mà còn được tạo điều kiện làm việc tối ưu. Phòng thí nghiệm nghiên cứu phát triển về khoa học máy tính của Microsoft, vốn đầu tư 8 tỷ đô-la Mỹ, là phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này. Bill Gates còn bắt buộc tất cả các quản trị viên cao cấp của Microsoft phải có quan hệ mật thiết với ít nhất là năm kỹ sư hàng đầu và nhận sự tư vấn của họ. Văn hóa tôn trọng tri thức công nghệ là nền tảng để Microsoft liên tục phát triển và duy trì ngôi vị hàng đầu về phần mềm máy tính.

3. Cạnh tranh là cơ hội: “Microsoft phải luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất,” Bill Gates nói. Vài năm trước sự phát triển ồ ạt của Linux và phần mềm nguồn mở tưởng chừng như sẽ xóa sổ Microsoft; ngày nay Microsoft vẫn thống trị bằng cách mở cửa dung nạp nhiều phần mềm nguồn mở trên nền tảng Windows; chẳng những thế Windows Server còn lấn át hẳn Linux. “Ông Bill và ông Steve luôn nhấn mạnh cái gọi là văn hóa khủng hoảng (culture of crisis). Vào bất kỳ thời điểm nào cũng có vài đối thủ hùng mạnh sẵn sàng tung đòn hạ gục Microsoft. Mọi người ở đây đã quen với không khí cạnh tranh căng thẳng đó và tự luyện cho mình sức bền để chịu đựng và phản công khi thời cơ tới,” Ray Ozzie nói.

4. Đầu tư dài hạn: Có những sản phẩm của Microsoft cả chục năm vẫn chưa thoát lỗ để rồi một ngày nào đó lại trở thành sản phẩm được ưa chuộng. SharePoint, bộ phần mềm công cụ giúp các công ty tự xây dựng trang web của mình, từ đơn giản như blog đến phức tạp như trang web tương tác, sau hơn một thập niên mờ nhạt, nay đã bắt đầu thu về hàng tỷ đô-la, là một ví dụ. Tầm nhìn xa cộng với năng lực đầu tư dài hạn là chiến lược xuyên suốt của Microsoft. “Dù thua lỗ chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư một khi đã nhìn thấy mặt bên kia của tai họa. Trong nguy nan bao giờ cũng tàng ẩn cơ hội,” Robbie Bach, chủ tịch bộ phận phần mềm giải trí của Microsoft, nhận xét.

Thứ Năm, 24/07/2008 09:56
41 👨 763
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp