Marissa Mayer, phó chủ tịch sản phẩm tìm kiếm và trải nghiệm người dùng, một trong những thành viên gắn bó với Google từ những ngày đầu đã chia sẻ một vài suy nghĩ chưa từng được công bố về gã khổng lồ tìm kiếm Internet.
Marissa cho biết, bước đột phá sắp tới của Google là ngôn ngữ. “Khi nhập một từ khóa, công cụ tìm kiếm sẽ dịch nó ra mọi ngôn ngữ để tìm tại tất cả website trên thế giới,” cô nói. “Sau đó kết quả được dịch và trả về, thậm chí khi người dùng click vào kết quả, họ sẽ xem được toàn bộ nội dung trang gốc trong ngôn ngữ của họ.”
Trong 70 ngày trở lại đây, Google có 38 sản phẩm tìm kiếm mới, và có một phụ nữ luôn theo dõi những thay đổi đó. Cô quản lí bộ phận quan trọng nhất của Google: tìm kiếm. Mỗi ngày cô luôn suy nghĩ về những thay đổi nhỏ nhất có thể giúp tăng trải nghiệm của người dùng.
Động từ “Google” từ lâu đã nằm trong từ điển của thế kỉ 21 với nghĩa “tìm kiếm”. Chiếm hơn 80% thị phần, Google luôn giữ vững và củng cố vị trí này.
Đây cũng là nơi Mayer đang làm việc. Tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ tại đại học Stanford, cô trở thành nhân viên thứ 20 của Google vào năm 1999, và là nữ kĩ sư đầu tiên của công ty. Vào thời điểm đó, cô lãnh đạo nhóm giao diện người dùng và máy chủ web. Hiện nay, cô giữ vị trí phó chủ tịch sản phẩm tìm kiếm và trải nghiệm người dùng tại Google.
Sự ảnh hưởng của cô lên giới công nghệ đã dẫn đến hàng loạt giải thưởng. Năm 2008, ở tuổi 33, trở thành phụ nữ trẻ nhất nằm trong danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất của tạp chí Fortune. Vào tháng 11 vừa rồi, Marissa Mayer được tạp chí Glamour, một tạp chí thời trang rất nổi tiếng, bầu chọn là người phụ nữ của năm 2009.
Cô chia các mục tiêu của Google thành ba mảng: thời trang, truyền thông và cá nhân hóa. Thời trang liên quan đến cách chúng ta tìm kiếm, thí dụ như gõ từ khóa, hoặc tìm bằng hình ảnh với Google Goggles. Bạn dùng điện thoại chụp một tấm ảnh, Google sẽ phân tích và trả về thông liên liên quan đến ảnh đó.
Truyền thông liên quan đến video và tất cả những gì thuộc về web thời gian thực (được phổ biến nhờ vào công cụ tiểu blog Twitter). Trong năm qua đã có nhiều đồn đại về việc Google đang thương lượng mua Twitter, nhưng cũng như mọi khi, Google không bình luận về các lời đồn đại.
Riêng về mảng cá nhân hóa, Mayer tìm thấy tương lai thực sự của Google tại đây. “Mọi người đều muốn tìm kiếm những thông tin trên Internet theo suy nghĩ của riêng họ.” Chúng ta muốn Google đem lại các trải nghiệm riêng biệt cho từng cá nhân.
Cô nghĩ rằng chìa khóa ở đây là việc Google sẽ tổng hợp các dòng cập nhật (status) của bạn bè người tìm kiếm từ những mạng xã hội, sau đó dùng thông tin này trả về các kết quả cá nhân hóa cho từng người dùng. Điều này hiện nay Google chỉ có thể thực hiện được nếu mọi người để chế độ “public”. Đây lại là một thử thách với Google.
Hơn nữa, việc cá nhân hóa cũng liên quan đến vấn đề riêng tư. Cơ chế hiện tại thì Google trả về kết quả dựa trên những lần tìm kiếm trước đó (được lưu trữ trong 180 ngày) mà người dùng không cần đăng nhập vào hệ thống. Người dùng cũng có thể chọn bỏ cơ chế này.
Mayer tỏ ra khá gay gắt khi có người hỏi về vấn đề riêng tư. “Dữ liệu được lưu trữ dựa trên cookie. Google chỉ biết yêu cầu tìm kiếm đến từ một máy tính nào đó, chứ không có bất kì thông tin cá nhân nào của người dùng.”
Khi được hỏi về chương trình Cú nhấp đầu tiên miễn phí (First Click Free) sau khi Google gặp phản ứng từ Rupert Murdoch, Marissa Mayer cho biết đó không phải là một sự lùi bước, mà chỉ đơn giản là Google đang muốn giúp đỡ.
“Chương trình First Click Free đã có từ 7 năm nay. Tôi cho ra mắt chương trình này vào năm 2002, và tờ The New York Times dùng nó ngay lập tức, nhận được tỉ lệ người dùng đăng kí cao hơn. Lúc đó báo chí chưa quan tâm đến những người dùng đăng kí, giờ họ đã quan tâm hơn. Nhưng chúng tôi đã luôn biết đó là một mô hình thành công.”
Món quà quý giá nhất của Mayer là tìm kiếm trực giác, và cô cũng muốn Google có khả năng đưa ra thông tin trước khi người dùng biết họ đang tìm kiếm gì. Đáng ngạc nhiên là Marissa cho rằng nhóm của cô đã đến gần mục tiêu đó, mà cô gọi là “công cụ tìm kiếm ăn tạp”. Đó là khả năng Google có thể dựa vào các ngữ cảnh của người sử dụng như nơi họ đang hiện diện, sách họ đang đọc, hướng họ đang di chuyển... để đưa ra những gì cần thiết.
“Có thể có thông tin nào đó đang chờ bạn ngay khi bạn bật máy tính. Dựa vào thói quen sử dụng Internet, những địa chỉ web sẽ tự động mở ra, các công cụ sẽ tự xuất hiện.”
Có lẽ sẽ có thêm nhiều vấn đề riêng tư cá nhân, nhưng điều đó không làm nhụt chí Mayer và Google. Một Google toàn năng, tạp ăn đang đến gần, và biết bạn muốn gì!