Giá cổ phiếu của Renren Inc., hãng điều hành mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc về lượng page views, đã tăng vọt 29% trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán New York, sau khi đã thu được 743,3 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Hãng điều hành có trụ sở tại Bắc Kinh này đã bán ra 53,1 triệu cổ phiếu với giá 14 USD, theo tuyên bố của công ty hôm 4/5. Tuy nhiên, giá cổ phiếu này đã nhanh chóng vọt lên 18,01 USD vào lúc 16h chiều (giờ địa phương). Theo tính toán, tại mức giá khởi điểm 14 USD, giá trị của Renren hiện đã gấp 72 lần so với lần định giá hồi năm ngoái.
Renren chính thức chào sàn hôm 4/5 tại New York. Hãng tin BBC dẫn lời các nhà đầu tư cho rằng, đây sẽ là một mặt hàng niêm yết rất ăn khách, có thể sánh với Youku và các thương nhân trung tuổi sẽ phải cố sức để chen lấn xô đẩy, giành mua một phần cổ phiếu của công ty này.
"Không nghi ngờ gì, những quan tâm sôi động đối với Renren sẽ đẩy cổ phiếu của công ty này lên mức chóng mặt trong những ngày đầu niêm yết", Michael Clendenin, Giám đốc điều hành của Công ty cố vấn RedTech, cho biết.
"Tuy nhiên, sau hồi phấn khích ban đầu, người ta sẽ được chứng kiến những biến động khi các nhà đầu tư tự hỏi liệu đây có thực sự là một công ty chỉ đứng sau mạng tìm kiếm khổng lồ Baidu, hay đây chỉ là một trong một số các công ty bắt chước Facebook hiện đang gặp khó khăn".
Renren, trong tiếng Trung là "Nhân Nhân" ̣(Người Người), cũng giống như trang Youku, không kiếm ra tiền vào thời điểm được niêm yết. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của họ hứa hẹn những lợi nhuận khổng lồ trong tương lai tại thị trường Internet lớn nhất thế giới vì số lượng người dùng.
Renren đặt kinh doanh của mình trên cơ sở đó. Renren đơn thuần là mạng xã hội mở ra cho các nhà đầu tư chính thống. Nó được biết đến như Facebook của Trung Quốc vì những điểm tương tự rõ rệt giữa hai trang mạng này.
Renren bắt đầu ra mắt vào năm 2005 do ba người bạn cùng lớp tạo nên, ban đầu nhắm vào giới sinh viên đại học. Sau đó, Renren được Giám đốc điều hành hiện tại, Joseph Chen, mua lại. Trang web này đã được mở rộng ra mời gọi tất cả những người sử dụng Internet tại Trung Quốc, tham dự và kết nối. Vì thế tên của nó có nghĩa là "tất cả mọi người".
Theo BBC, cũng giống như Facebook, Renren kiếm tiền từ quảng cáo trên mạng, nhưng hầu như một nửa thu nhập của nó đến từ trò chơi trực tuyến.
Thêm vào đó, Renren có thể được biết đến tại phương Tây như Facebook của Trung Quốc, nhưng trong thực tế nó chỉ là một trong nhiều trang mạng xã hội tại Trung Quốc đại lục. Nhiều mạng xã hội khác như Kaixin001, sẽ được niêm yết trong năm 2011, cũng như các trang nặng ký như Tencent, Sina và thậm chí cả công cụ tìm kiếm Baidu nữa.
Ông Clendenin, Giám đốc điều hành của Công ty cố vấn RedTech, tin rằng sự bùng nổ của các trang tiểu blog theo mô hình Twitter đang cướp đi người dùng từ các trang như Renren. "Các trang tiểu blog của Trung Quốc kết hợp các chức năng của Twitter và Facebook, đem lại cơ hội sử dụng các chức năng đó ở cùng một nơi", ông nói.
Ông cho biết, Renren sẽ phải mất năm năm để thu hút 120 triệu người sử dụng, trong khi mạng tiểu blog của Sina, được gọi là Weibo, đã làm như vậy trong vòng chưa đầy hai năm. Weibo đã thu hút được khoảng 37 triệu người sử dụng chỉ riêng trong ba tháng đầu năm.
Nhưng các nhà đầu tư Mỹ có nhiều khả năng sẽ không xem xét tới các đối thủ của Renren khi họ đổ vào mua cổ phiếu. Họ có lẽ tính tới những con số lớn hơn nhiều. Trung Quốc có dân số mạng tới gần nửa tỷ người, và một nửa trong số này sử dụng mạng xã hội. Và trong bối cảnh việc truy cập Facebook gặp trở ngại tại Trung Quốc, thì các mạng "nội" có thêm đất dụng võ.
Renren cho biết, có thể trang web này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội toàn cầu. Song, “các trang web của một số nhà cung cấp như Facebook hiện không thể truy cập tại Trung Quốc”, người phát ngôn của Renren cho hay. “Lợi thế cạnh tranh này sẽ tiếp tục tồn tại, ngay cả khi các đối thủ quốc tế như Facebook hình thành liên minh với các công ty Internet Trung Quốc để thâm nhập thị trường”.