Điện toán đám mây đang trở thành "mái nhà chung" cho nhiều công nghệ và dịch vụ. Xu hướng này đang kéo theo hàng loạt mối quan tâm của thị trường thông tin vừa mang tính hội tụ, vừa cá nhân hóa và đòi hỏi nền tảng an toàn cao hơn.
Mô hình điện toán mới mở ra những cơ hội về việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên và dịch vụ CNTT theo nhu cầu, phù hợp với quy mô trong các môi trường đa người sử dụng. Điện toán đám mây ảnh hưởng sâu rộng và có ý nghĩa ngay cả đối với những người không làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, nhưng lộ trình "lên mây" vẫn đang được bàn tính ở nhiều khía cạnh.
Từ mô hình công đến doanh nghiệp
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ của Cisco Vietnam, việc cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ và phần mềm theo nhu cầu trên môi trường mạng sẽ mang đến nhiều ưu thế cho lĩnh vực công. Tiềm năng có thể thấy rõ là cắt giảm được chi phí CNTT thông qua việc ảo hóa các tài sản như là một hệ thống lưu trữ. Cơ hội lớn nhất về điện toán đám mây dành cho lĩnh vực công là tạo ra năng lực chia sẻ các tài nguyên thông tin giữa nhiều cơ quan.
Thực tế cho thấy các chính phủ đang hướng tới lộ trình chia sẻ tài nguyên nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Nhất là các thị trường không có được công nghệ, kỹ năng hay tài nguyên cần thiết (như Việt Nam) để xây dựng được hạ tầng CNTT-viễn thông đẳng cấp thế giới. Việc ứng dụng "đám mây" có thể mang lại một phương thức để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao hiệu suất và hiệu quả hoạt động, điều đó sẽ khuyến khích các cơ quan chính phủ xem xét sử dụng trong môi trường quản lý cũng như doanh nghiệp để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, lĩnh vực công phải đối mặt với những thách thức đặc biệt trong việc chuyển sang nền tảng điện toán đám mây, như là làm sao để tránh phải phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp và công nghệ nào; luật và các chính sách cạnh tranh cũng như các quy định quốc gia phải ra sao để phù hợp. Về mặt công nghệ, phải giải quyết việc thiếu các tiêu chuẩn và khả năng tương tác, những rủi ro về an ninh và tính riêng tư hay các mối liên quan đến chủ quyền. Đó là chưa tính toán đến mức độ chấp nhận và sử dụng của các cơ quan chính phủ đối với mô hình này ra sao.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Lee Poh Wah, kỹ sư hệ thống của hãng VMware, điện toán đám mây đã tạo ra một sự đột phá lớn về mô hình CNTT với những ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức mà người dùng cuối sử dụng. Các nội dung ứng dụng cũng đang chạy trên một số lượng thiết bị kết nối ngày càng đa dạng. Điện toán đám mây, vì thế cho phép bộ phận CNTT sáng tạo ra phương cách kết nối các "ốc đảo" ứng dụng, cân đối công việc để sử dụng và chia sẻ tài nguyên nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh ngày càng thông minh và linh hoạt.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng thực tế, ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Trung tâm CNTT SeABank, cho rằng việc ứng dụng thành công được quyết định từ phương pháp tiếp cận, giải quyết các khó khăn hiện tại và trong tương lai đối với việc ứng dụng theo tiêu chí CNTT là để tạo sức mạnh cho hoạt động kinh doanh. Ví dụ phải có chiến lược và quy hoạch tổng thể với những bước đi thích hợp. Công nghệ đó phải bảo đảm cho việc đơn giản hóa kiến trúc hạ tầng, linh hoạt trong việc mở rộng, phát triển kinh doanh và sử dụng có hiệu quả tài nguyên sẵn có để giảm chi phí đầu tư.
Nhiều tổ chức hiện đã cam kết thay đổi và đưa điện toán đám mây vào mô hình hoạt động như là một chiến lược chuyển đổi toàn diện tổ chức, quy trình và cơ sở hạ tầng cho mô hình trung tâm dịch vụ mới. Những khái niệm như: chia sẻ (share), phần mềm như một dịch vụ (SaaS), cung ứng theo nhu cầu (on demand), co giãn theo quy mô ứng dụng (elastic), nền tảng như một dịch vụ (PaaS) hay hạ tầng như một dịch vụ (IaaS) ngày càng trở nên gần gũi. Hiện tất cả đã được hiểu theo một ý nghĩa chặt chẽ hơn trong khuôn khổ của nền tảng đám mây. Người sử dụng không còn phân biệt ứng dụng này là của hãng nào hay đến từ đâu.
Tư hữu đám mây hay ứng dụng truyền thống?
Những người lãnh đạo doanh nghiệp hiện đã nghe nhiều về xu hướng và tiềm năng phát triển của điện toán đám mây, việc tiết kiệm được chi phí và tiện ích di động, những khả năng hỗ trợ cho việc kinh doanh. Theo một cuộc khảo sát riêng của hãng HP thì khi triển khai "đám mây", 75% giám đốc CNTT (CIO) quan tâm về vấn đề an ninh thông tin; 60% quan tâm về hiệu năng và độ sẵn sàng của hệ thống; 45% quan tâm đến hạ tầng kết nối; và 60% lo lắng rằng phải phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ.
Tiếp đến là những mối băn khoăn về chọn lựa đám mây hay các ứng dụng truyền thống, cái nào là ưu việt hơn. Tuy nhiên, công nghệ hiện nay cho phép doanh nghiệp kết hợp những ứng dụng vừa dựa trên mô hình đám mây riêng (private) hay công cộng (public) vừa kết hợp mô hình truyền thống trên một mô hình "hỗn hợp" (hybrid cloud). Đám mây tư hữu (private cloud) và đám mây công cộng (public cloud) là hai mô hình song song nhắm vào việc giải quyết các vấn đề về ứng dụng và đầu tư cho CNTT trong doanh nghiệp.
Hiện nay vì lý do lo ngại việc bảo mật thông tin, đa số các hãng chọn lựa mô hình đám mây tư hữu. Tuy nhiên, theo dự báo sẽ đến lúc doanh nghiệp cần đến dịch vụ đám mây công cộng theo quy mô phát triển của mình. Một lý do nữa là ở thời điểm hiện tại hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đã đầu tư cơ sở hạ tầng và trung tâm dữ liệu. Việc chuyển đổi cần một lộ trình hợp lý, ít tốn kém nhất và ở những thời điểm đã chín muồi. Mặt khác, đầu tư công nghệ không thể "một bước lên mây" vì họ còn phải biết rõ rằng các hãng không phải cung cấp hết các "loại mây" mà mỗi nhà cung cấp có những thành phần thế mạnh.
Các chuyên gia cho rằng với thực tế nền tảng công nghệ Việt Nam, nhất thiết cần những hoạch định đổi mới về hạ tầng cũng như sự hỗ trợ của lĩnh vực công khi đầu tư ứng dụng. Một đám mây tư hữu, công cộng và lai ghép xuất hiện sẽ là gánh nặng đối với các CIO vốn lâu nay chỉ chăm sóc các hạ tầng CNTT truyền thống. Họ phải làm sao xây dựng các dịch vụ đám mây, chuyển đổi các hạ tầng và ứng dụng cũ cho phù hợp với các đám mây mới mà vẫn bảo đảm nâng cao hiệu quả của việc đầu tư ứng dụng.
Như vậy thì vai trò của các CIO sẽ quyết định lộ trình "lên mây" ra sao và việc sử dụng các dịch vụ nào phù hợp nhất cho doanh nghiệp mình. Họ có thể áp dụng công nghệ để phân tích nghiệp vụ kinh doanh hay các yêu cầu của người sử dụng để lựa chọn giải pháp có hiệu quả nhưng chi phí cạnh tranh nhất. Như thế, doanh nghiệp trước khi triển khai dự án CNTT nào cũng sẽ cân nhắc được bài toán cân đối giữa lợi ích thu được như khả năng quản lý tốt hơn, độ linh hoạt CNTT tăng lên, giảm chi phí đầu tư, chí phí vận hành với việc tận dụng nguồn tài nguyên thông tin một cách hữu ích nhất.