Cuộc cạnh tranh về sức mạnh xử lý hay độ phân giải màn hình trong thế giới smartphone thực sự đã hạ nhiệt, giờ là thời kỳ các hãng ganh đua nhau bằng “số chấm” trên camera cũng như chất lượng ảnh chụp. Xu thế này đang được dẫn dắt bởi hàng loạt ông lớn Android như Oppo, Huawei, Samsung, hay Xiaomi.
Những mẫu điện thoại thông minh 108MP đầu tiên đã ra mắt thị trường vào năm 2019 và nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng độ phân giải đó là khủng khiếp, hãy suy nghĩ lại. Smartphone với cảm biến camera lên tới 200MP đã xuất hiện và chúng đang dần trở nên phổ biến, trở thành một tiêu chuẩn cạnh tranh mới “phải có” trên những chiếc điện thoại Android tốt nhất.
Xiaomi 12T Pro là một ví dụ điển hình. Chiếc flagship vừa được tiết lộ của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang là một trong những mẫu điện thoại thông minh Android hàng đầu trên thị trường, hoàn hảo với cấu hình cực kỳ mạnh mẽ cùng một camera chính sở hữu độ phân giải cao một cách “vô lý”: 200MP. Xiaomi 12T Pro sử dụng cảm biến ISOCELL HP1 của Samsung, có thể thông qua công nghệ pixel binning để tạo ra hình ảnh ở các mức độ phân giải khác nhau tùy theo nhu cầu của người dùng: 12MP (kết hợp 16 pixel thành một), 50MP (kết hợp bốn pixel trong một) hoặc 200MP đầy đủ chất lượng.
Một nhà sản xuất Android lớn khác là Motorola gần đây cũng đã ra mắt chiếc Edge 30 Ultra có cũng sử dụng cảm biến Samsung ISOCELL HP1 độ phân giải 200MP. Ngoài ra, có tin đồn rằng Samsung Galaxy S23 Ultra ra mắt vào đầu năm sau cũng sẽ đi kèm với camera chính 200MP thay vì 108MP như S22 Ultra hiện có.
Công bằng mà nói thì nhiều megapixel hơn không có nghĩa là chất lượng ảnh chụp cuối cùng lúc nào cũng sẽ tuyệt vời hơn. Nhưng có vẻ như các OEM và thậm chí cả người dùng Android đều đang bị ám ảnh về những con số. Và cuộc chiến về “số chấm” này được dự báo sẽ càng trở nên sôi động hơn khi một loạt các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn khác sẽ sớm tung ra những chiếc điện thoại sở hữu camera 200MP đầu tiên của họ trong tương năm 2023 tới đây.
Những bước tiến đáng kinh ngạc về chất lượng mà camera trên điện thoại thông minh đã đạt được trong gần một thập kỷ qua chính là yếu tố góp phần xây dựng lên một lĩnh vực mới gọi là “nhiếp ảnh di động”. Tuy nhiên bên cạnh sự tiến bộ về mặt phần cứng, những cải tiến về phần mềm mới là động lực chính cho sự phát triển của lĩnh vực này.
Sự cải thiện nhanh chóng chất lượng ảnh chụp trên điện thoại thông minh trong vài năm qua có thể bắt nguồn phần lớn từ những cải tiến mạnh mẽ về phần mềm, chứ chưa hẳn là do cấu hình phần cứng (cảm biến, thấu kính, chip xử lý…). Có thể thấy rõ điều này qua thực tế rằng chất lượng ảnh chụp trên sản phẩm của một số nhà sản xuất lớn, như Apple và Google, đã liên tục được cải thiện rõ rệt qua từng năm, trong khi gần như không có bất cứ sự thay đổi thực sự mạnh mẽ nào về cảm biến máy ảnh vật lý. Nói theo cách dễ hiểu, việc chất lượng ảnh chụp trên smartphone ngày càng được cải thiện rõ rệt bắt nguồn phần lớn từ sự ưu việt của phần mềm cũng như thuật toán xử lý hậu kỳ.