Cơ quan chống độc quyền châu Âu cho biết họ đã có bằng chứng chứng minh Intel mua chuộc các hãng sản xuất máy tính hủy bỏ việc bán sản phẩm dùng chip của AMD.
Thông tin này được tiết lộ bởi một nguồn tin “thân cận với phía tòa án” hôm 10/5. Theo hãng tin Reuters, vào ngày 13/5 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quyết định mức phạt đối với hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới này vì cho rằng đó là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh và có dấu hiệu lũng đoạn thị trường, vi phạm luật chống độc quyền của châu Âu.
Sau án phạt, cuộc chiến giữa AMD và Intel sẽ kết thúc? |
Nguồn tin trên còn tiết lộ rằng, các quan chức của cơ quan chống độc quyền này sẽ tuyên phạt Intel vì 2 tội danh liên quan đến các hành vi lạm dụng ưu thế trên thị trường bộ vi xử lý trung tâm để trục lợi cho mình.
Các quan chức EU cho rằng Intel đã “trả tiền hậu hĩnh” để các nhà sản xuất máy tính hạn chế đến mức tối đa hoặc trì hoãn việc tung ra thị trường những sản phẩm dùng chip của hãng đối thủ cạnh tranh AMD, đồng thời mua chuộc các nhà bán lẻ để họ chỉ đồng ý nhận bán những máy tính có sử dụng bộ vi xử lý của Intel.
Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh này của Intel đã bắt đầu được áp dụng từ 8 năm trước đây, một quan chức EU nói.
Phía Intel đã thừa nhận cáo buộc thứ nhất và cho biết họ đã buộc các nhà sản xuất máy tính phải sử dụng sản phẩm chip của mình với một tỷ lệ phần trăm khống chế để được ưu đãi về giá và các quyền lợi khác.
Ví dụ, Intel đã yêu cầu tập đoàn máy tính Nhật Bản - NEC chỉ được tung ra thị trường 20% số sản phẩm có sử dụng chip AMD, nguồn tin từ tòa án nói. Với các hãng khác như Lenovo hay Dell, tất cả các sản phẩm notebook của họ bắt buộc phải dùng chip của Intel. Với Hewlett-Packard (HP), tỷ lệ khống chế là 95% số máy tính để bàn.
Người phát ngôn của EC, Jonathan Todd nói Ủy ban này chưa có bình luận gì về thông tin trên còn người phát ngôn của Intel, Chuck Mulloy cũng từ chối trả lời câu hỏi của Reuters.