IDG sẽ không thu hẹp đầu tư tại Việt Nam

Liệu đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ của Việt Nam có bị ảnh hưởng giống như tình trạng các nguồn vốn đang rút dần khỏi thị trường Trung Quốc?

IDG sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam bởi thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng


Báo BĐVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc phát triển kinh doanh và công nghệ của Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam (IDGVV) về vấn đề này.

Vẫn đầu tư bình thường

Ông có thể cho biết cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra có ảnh hưởng thế nào với đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT?

Đặc thù của đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào các công ty mới thành lập hoặc mới hoạt động trong khoảng thời gian 2-4 năm. Hiện hơn nửa các công ty được quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư đang ở trong thời kỳ xây dựng sản phẩm và thị trường, chưa phải là thời kỳ hiện thực hóa lợi nhuận, nên tác động của khủng hoảng tài chính là không nhiều, chủ yếu nằm ở ba khía cạnh: (1) chi phí đầu vào cao hơn, (2) thị trường có thể bị giảm trong ngắn hạn, (3) việc quản lý tài chính cần tốt hơn vì việc tiếp cận các nguồn tài chính ngắn hạn cho kinh doanh trong thời kỳ này sẽ không dễ như thời gian trước. Như vậy, đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT sẽ đi vào chiều sâu trong thời kỳ này. Ngoài sứ mệnh tài chính thì nhiệm vụ giúp đỡ các công ty được đầu tư trong việc quản lý tốt nguồn vốn và chi phí sẽ là những ưu tiên trong thời kỳ này của việc đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực CNTT.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm về công nghệ đã rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc, việc đầu tư của IDGVV tại Việt Nam có bị tác động bởi khủng hoảng tài chính không?

Các tác động chung của cuộc khủng hoảng tài chính còn nhiều yếu tố chưa dự báo trước được, nhưng một tác động rõ nhất là sự tăng trưởng chậm lại của nhiều thị trường (nói cách khác là "cầu" giảm ở nhiều thị trường), trong đó có các thị trường của các công ty được đầu tư trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, việc giảm đầu tư của các quỹ đầu tư ở Trung Quốc và một số nước khác là điều dễ hiểu, vì các thị trường này đã phát triển một thời gian dài và tương đối bão hòa, nên tác động của "cầu" giảm là khá rõ rệt.

Khác với nhiều nước thì thị trường của các công ty được đầu tư (phần nhiều trong lĩnh vực công nghệ, internet, viễn thông, truyền thông) tại Việt Nam vẫn còn rất lớn và chưa đến điểm bão hòa nên hoạt động đầu tư của IDG tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, không thu hẹp phạm vi, thậm chí còn mở rộng.

Trước cuộc khủng tài chính toàn cầu, Việt Nam cũng phải đối mặt với lạm phát cao, điều này có ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của IDG tại Việt Nam?

Tác động của lạm phát chủ yếu nằm ở hai khía cạnh: chi phí đầu vào tăng lên, và sự sụt giảm của "cầu" trong thời gian ngắn hạn. Việc này không ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của IDG vì việc đầu tư trong nhiều năm qua của IDG là việc đầu tư rất chọn lọc, chỉ đầu tư vào các công ty thực sự có tiềm năng và có khả năng quản lý vốn. Các công ty thành viên hiện tại và các công ty được đầu tư trong thời gian tới đều có khả năng điều tiết chi phí và đưa ra những chiến lược phù hợp với những khó khăn ngắn hạn như việc sụt giảm "cầu". Vì vậy, tác động của lạm phát không phải là yếu tố thực sự gây ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng đầu tư. Sự khó khăn trong ngắn hạn của nền kinh tế lại là cơ hội cho các công ty có tiềm năng tài chính và công nghệ điều chỉnh chiến lược phù hợp để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Nhiều web 2.0 sẽ thu lời lớn trong 3 năm tới

Trong số hơn 30 dự án IDGVV đầu tư tại Việt Nam, khoảng một nửa là các web 2.0 cung cấp dịch vụ nội dung số. Nhưng hiện nay dường như sự phát triển của các web 2.0 tại Việt Nam khá ảm đạm, thậm chí có người ví web 2.0 hiện như quả bong bóng sắp nổ?

Các đầu tư trong lĩnh vực web 2.0 tại Việt Nam và thế giới nói chung đều là những đầu tư cho tương lai. Nói cách khác là thời gian 3 năm đầu tiên của những đầu tư này chủ yếu nằm ở việc gây dựng thị trường và xây dựng sản phẩm phù hợp với đặc thù tương tác địa phương, nên bây giờ chưa phải là thời điểm hiện thực hóa lợi nhuận của những đầu tư này. Với xu hướng phát triển Internet rất nhanh và không chậm lại như hiện nay thì sự phát triển của các công ty web 2.0 được đầu tư ở Việt Nam diễn ra tương đối phù hợp với lộ trình đã được vạch trước.

Theo lộ trình đã vạch trước của IDGVV thì đến khi nào sẽ thu được lợi nhuận từ các web 2.0 tại Việt Nam?

Các trang web 2.0 hiện đã có các nguồn doanh thu chủ yếu từ quảng cáo trực tuyến, nhưng mục tiêu chủ yếu của các trang web 2.0 tại Việt Nam thời kỳ này là củng cố sản phẩm và gia tăng cộng đồng nhằm vào mục tiêu phát triển bùng nổ trong thời gian 2 năm tới. Các trang web 2.0 được đầu tư hiện nay có thể tạo ra lợi nhuận tùy theo mức độ trưởng thành của trang đó trong thời gian 1 đến 2 năm tới. Đến thời điểm 2011, sẽ có nhiều trang web 2.0 thu được lợi nhuận lớn, với các nguồn thu đến từ quảng cáo trực tuyến, dịch vụ giá trị gia tăng, sự chia sẻ doanh thu với các tổng đài viễn thông, phí thành viên, phí lưu trữ nội dung và nhiều loại nguồn doanh thu khác.

Tuy nhiên, không phải web 2.0 nào cũng sẽ thành công?

Tất nhiên, để có thể thành công và có lợi nhuận, web 2.0 phải đạt được ba yếu tố quan trọng nhất để thu hút quảng cáo trực tuyến. Đó là: sản phẩm; cộng đồng và sự phù hợp với từng nhóm khách hàng quảng cáo.

Sẽ có không ít web 2.0 biến mất

Với dự báo nhiều web 2.0 thu lợi lớn trong vài năm tới, chắc chắn xu hướng web 2.0 sẽ tiếp tục phát triển tại Việt Nam?

Các mô hình web 2.0 vẫn được giới thiệu hàng ngày trên thế giới và xu hướng du nhập các mô hình mới này vào Việt Nam sẽ vẫn diễn ra. Đó là sự phát triển về "lượng". Tuy nhiên, việc phát triển về chất cho các web 2.0 đòi hỏi mức độ đầu tư rất nghiêm túc và sự theo sát thị trường Việt Nam để đưa ra được mô hình phù hợp, vì vậy, sẽ có sự xuất hiện và biến mất của nhiều web 2.0, chỉ có những website đưa ra dịch vụ thực sự phù hợp với thị trường Việt Nam mới tồn tại. Các nhóm phát triển web 2.0 mới sẽ cần có sự chuẩn bị bài bản về cả tài chính lẫn chiến lược, nếu sản phẩm của các nhóm này thực sự có chất lượng sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư. Còn các nhóm phát triển web 2.0 đã được đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ có lợi thế trong việc phát triển thị trường và củng cố công nghệ để giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực web 2.0.

Ngoài lĩnh vực web, những lĩnh nào sẽ được IDG ưu tiên đầu tư thời gian tới?

Ngoài lĩnh vực web và nội dung số, IDG vẫn tiếp tục đầu tư trong các lĩnh vực CNTT, công nghệ sinh học, y dược, công nghệ vật liệu, viễn thông và truyền thông.

Cảm ơn ông!

Thứ Hai, 10/11/2008 17:31
31 👨 268
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp