Vừa qua, trao đổi với báo chí Pháp, Tổng Giám đốc Huawei Ren Zhengfei cho biết hãng sẽ rút khỏi thị trường Mỹ để không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung.
Là một doanh nghiệp tư nhân, Huawei không mang lập trường chính trị và không bị chính phủ Trung Quốc gây ảnh hưởng. Dù rút khỏi thị trường Mỹ với tư cách nhà sản xuất thiết bị viễn thông, điện thoại do Huawei chế tạo vẫn bán tốt tại Mỹ. Điện thoại di động không được xem là nguy cơ an ninh vì chúng dùng phần mềm của Mỹ.
Huawei rút khỏi Mỹ để không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ
Quá trình mở rộng thị trường của Huawei tại Mỹ không diễn ra suôn sẻ. Tháng 2/2011, Huawei thất bại trong việc mua lại công ty 3Leaf của Mỹ. Một năm sau, công ty bị cáo buộc vi phạm Điều 337 trong Luật Thuế Mỹ. Ngày 8/10/2012, Quốc hội Mỹ phát hành báo cáo khẳng định Huawei và ZTE – một nhà sản xuất Trung Quốc khác – trợ giúp tình báo nước nhà xâm nhập vào mạng lưới thông tin liên lạc của Mỹ. Tháng 3 năm nay, chính phủ Mỹ cấm cơ quan chức năng mua thiết bị CNTT từ các công ty Trung Quốc.
Cổng thông tin Techinasia hồi tháng 10 đưa tin Xu Zhijun, Phó Chủ tịch Huawei từng cho biết hãng không hứng thú với thị trường Mỹ nữa. Ngoài khó khăn tại Mỹ, thiết bị Huawei còn bị chính phủ mới của Australia cấm sử dụng trong dự án Mạng lưới Băng rộng quốc gia trị giá 38 tỷ USD.
Theo He Weiwen, đồng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ - Trung – Âu thuộc Hiệp hội Thương mại quốc tế Trung Quốc, rút khỏi Mỹ là quyết định dựa theo môi trường thị trường. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Huawei đánh mất thị trường Mỹ vĩnh viễn. Những rào cản do con người đặt ra không thể tồn tại dài lâu trong quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt đối với lĩnh vực viễn thông.
Theo Techinasia, Huawei có hoạt động khá tốt tại châu Á, châu Phi và châu Âu với 1/3 dân số tại 140 quốc gia và khu vực đang sử dụng sản phẩm của hãng.
Một số nước như Mỹ và Australia thường có cái nhìn khắt khe với công ty Trung Quốc vì tin rằng họ được chính phủ chống lưng. Đó chính là điều mà Huawei hay doanh nghiệp khác phải vượt qua được trong tương lai.