Thế hệ đầu của những chiếc máy tính bảng không khác gì những viên gạch nặng nề với các mảng màu xám xịt, và giao tiếp trên máy tính bảng phải cần tới một chiếc bút, giờ chỉ cần "vuốt và chạm".
Theo hãng nghiên cứu Forrester Research, tổng lượng máy tính bảng bán ra có thể đạt 26 triệu chiếc trong năm 2011 riêng tại thị trường Mỹ, và sẽ tiếp tục tăng 82,1% tới năm 2015. Hãy cùng nhìn lại lịch sử của máy tính bảng - một trong những thiết bị công nghệ được ưa chuộng nhất hiện nay:
Dynabook (1968)
Hãy tưởng tượng về một máy tính giống chiếc bảng con, với kích cỡ không lớn hơn quyển vở viết tay và nặng dưới 4 pound, làm việc thông qua màn hình chạm với bàn phím nổi, kết nối Internet và có giá dưới 500 USD.
Năm 1968, Alan Kay – một kĩ sư tại Xerox PARC - đã hình thành những ý tưởng này để tạo ra một thiết bị có tên Dynabook. Kay chịu trách nhiệm chính xây dựng giao diện và chương trình định hướng cho Dynabook và tin rằng nó có thể trở thành công cụ hỗ trợ giáo dục đắc lực. Dybabook không bao giờ được sản xuất, nhưng vào năm 1972, Kay đã trình bày mọi chi tiết vào một tài liệu có tên “Mỗi máy tính cho một trẻ em mọi lứa tuổi”. Hình dung của Kay khác hoàn toàn với mục đích sử dụng giải trí và kinh doanh như chúng ta ngày nay. 40 năm sau, Kay đang là một thành viên tích cực của dự án One Laptop per Child - Mỗi trẻ em, một laptop.
Apple Bashful (1983)
Apple có lẽ sẽ rất xấu hổ về mẫu máy tính bảng có tên Bashful của mình, bởi nó chưa bao giờ được ra mắt. Những bức ảnh về mô hình của nó, và những phần phụ thêm như bàn phím, bút, ổ đĩa mềm, điện thoại và vỏ cầm tay – được đơn vị đồng thiết kế Frog Design tiết lộ. Người sáng lập của Frog – Hartmut Essligner đã nảy ra ý tưởng về thiết kế Snow White cho Apple, bắt đầu áp dụng ở mẫu Apple Iic và được gán nhãn hiệu năm 1990.
GriD Systems GriDPad (1988)
Nói Gridpad là mô hình mẫu cho Palm là có lí do. Cả hai cùng chung “ông tổ” là Jeff Hawkins – người truyền bá nền tảng máy tính dựa vào bút cảm ứng, đã thành lập Palm Computing và Hanspring. Máy tính màn hình cảm ứng Gridpad hoạt động dựa trên hệ thống nhận dạng chữ viết tay phát triển bởi Hawkins hay còn gọi là Graffiti và sau này được sử dụng trong các thiết bị Newton của Apple và Palm. Gridpad khá cơ động, nhưng với mức giá 2.370 USD, nó ở ngoài tầm với của nhiều người và chỉ giới hạn trong các viện chăm sóc sức khỏe cũng như cơ quan hành pháp. Học viện MoMA đã đặt Gridpad vào trong bộ sưu tập mẫu thiết kế như một sự tôn vinh với thiết bị này.
Freestyle của Wang Laboratories (1989)
Wang Laboratories gia nhập thị trường máy tính bảng với thiết bị dựa trên nền tảng bút cảm ứng, cho phép người dùng viết lên bất cứ tệp tin nào hay chú thích bằng các ghi chú thoại qua thiết bị cầm tay và gửi qua email. Freestyle là một thiết bị được chào đón ở các văn phòng vốn xem việc biên dịch là một cơn ác mộng. Freestyle được bán riêng lẻ từng phần: máy tính bảng, bút, thẻ giao tiếp, phần mềm, cáp, điện thoại, fax, máy scan hoặc trọn gói.
EO của AT&T (1993)
Máy giao tiếp cá nhân EO của AT&T là một máy tính bảng gợi nhắc tới thiết bị Star Trek ngay từ cái tên của mình. Vào thời điểm bấy giờ, nó như một phần của khoa học viễn tưởng, đi kèm với điện thoại cầm tay, modem, máy fax, microphone, lịch, chương trình dữ liệu và bộ xử lí kí tự. EO áp dụng hai công nghệ: hệ điều hành của Go Corp và bộ vi xử lí Hobbit của AT&T. AT&T đã mua lại cả GO và EO, và khi các thiết bị này không đáp ứng dược nhu cầu của thị trường, công ty đóng cửa.
Apple Newton (1993)
Đây là minh họa rõ nhất cho câu nói “Thử nhiều hơn, thất bại tốt hơn”. Apple Newton là một thiết bị PDA, nhưng cũng là một máy tính bảng. Ban đầu, đội phát triển Newton đã làm việc để tạo ra Figaro. Những yêu cầu của Figaro là màn hình cảm ứng nhạy, có cổng IR, khả năng lan truyền quang phổ, và giá bán lẻ dưới 6.000 USD. Thay vì máy tính bảng, Apple lại tập trung vào dự án tạo ra thiết bị ít tính năng hơn nhưng cơ động hơn và ít tốn kém hơn. Và do đó, Newton ra đời.
Máy tính bảng cá nhân của Microsoft (2002)
Năm 2000, Bill Gates phát biểu tại Comdex cùng lúc kiến trúc sư phần mềm Bert Keeley đưa ra mô hình máy tính bảng cá nhân. Nó được trang bị bộ nhận diện chữ viết tay và đáp ứng hầu hết các chức năng của một máy tính cá nhân như CPU 500-600MHz, RAM 128MB, ổ cứng 10GB và cổng USB. Máy tính bảng này chạy phiên bản Windows XP Tablet PC khá giống với Compaq và ViewSonic, bắt đầu được bán ra vào năm 2002 nhưng không giành được nhiều thị phần.
Apple iPad (2010)
iPad đang thống trị thị trường máy tính bảng. Báo cáo mới đây của comScore tập trung vào lưu lượng máy tính bảng tại 13 quốc gia chỉ ra tầm với của iPad tại Ấn Độ là thấp nhất nhưng vẫn ở mức 89% trong khi thị phần đo được tại các nước khác thường trên 95%. Bất chấp sự gia tăng không ngừng của các đối thủ cạnh tranh, Apple vẫn duy trì ngôi vị dẫn đầu trong cơn sốt máy tính bảng hiện nay.
One Laptop per Child XO-3 (2012)
Chương trình được nâng cấp với XO-3 – máy tính bảng có giá dưới 100 USD sử dụng sạc năng lượng mặt trời và kết nối vệ tinh để tối đa hóa hiệu suất sử dụng trong các quốc gia đang phát triển. XO-3 rất gần với ý tưởng Dynabook của Alan Kay. Ngoài các chức năng cần thiết như một chiếc máy tính, sách điện tử, máy ảnh, mẫu máy tính bảng này phải có độ bền, được thiết kế từ cao su và nhựa của Yves Behar cho dự án Fuse. Người sáng lập dự án One Laptop per Child – Nicholas Negroponte đưa ra thời hạn ra mắt XO-3 vào năm 2012, nhưng chương các dự án trước đã không kêt thúc đúng hạn. Tuy nhiên, Negroponte không e ngại và vẫn mong muốn nhiều người khác sẽ tham gia vào thử thách này.