Mật khẩu thông thường có thể sẽ sớm lùi vào quá khứ.
Như đã biết, Motorola đang phát triển "hình xăm mật khẩu", còn Apple phát triển máy quét dấu vân tay. Gã khổng lồ tìm kiếm Google cũng không muốn mình là kẻ ngoài cuộc khi mới đây hãng đã đệ trình bằng sáng chế nhận dạng khuôn mặt cho người dùng như một cách thức mới để cho phép người dùng dễ dàng truy cập các thiết bị và tài khoản của họ mà không cần phải nhớ một cụm từ hoặc mật mã như trước nay.
Theo cơ quan cấp bằng sáng chế Mỹ, đầu tiên khi nộp vào tháng 8/2012, nhận dạng khuôn mặt của Google là phương pháp sẽ yêu cầu người dùng thực hiện một cử chỉ trên khuôn mặt được xác định trước mà sau đó sẽ được quét và so sánh với một bức ảnh chụp trước đó để xác thực. Mỗi lần điện thoại yêu cầu xác thực, người dùng sẽ phải thực hiện một loạt cử chỉ khuôn mặt bao gồm chuyển động của mắt, lông mày, miệng, khu vực trán, mũi.
Các cử chỉ được gợi ý là "nháy mắt" hoặc "nhếch mày" hoặc "nhăn mũi" hay "thè lưỡi".
Trong khi việc xác thực bằng nhận dạng khuôn mặt không có gì mới, bằng sáng chế mới với yêu cầu của Google với người dùng để thực hiện một cử chỉ độc đáo dường như là một nỗ lực mới để ngăn chặn kẻ xấu sử dụng để truy cập trái phép các thiết bị của người khác.
"Ý tưởng xuất phát từ việc một hacker có thể đánh lừa máy tính với một bức ảnh tĩnh. Nhưng việc di chuyển các điểm trên khuôn mặt là một cách rất hiệu quả mà thậm chí không một kẻ mạo danh nào có thể đánh lừa. Ít nhất đó là lý thuyết", theo Rebecca Greenfield của Google phát biểu với phóng viên báo The Atlantic Wire.
Trở lại trong năm 2011, một blogger đã chỉ ra rằng ứng dụng Face Unlock trên Android - Cho phép mở khóa thiết bị bằng khuôn mặt có thể bị qua mặt bởi một bức ảnh in. Vào tháng Sáu năm ngoái, Google đã tung ra bản vá lỗi chống hack với lỗi này, với việc ra mắt "liveness check", yêu cầu người dùng nháy mắt trước khi mở khóa điện thoại. Tuy nhiên, "giải pháp" mới lại vẫn tỏ ra không có tác dụng đối với những người có kỹ năng chỉnh sửa ảnh cơ bản.
Bằng sáng chế mới của Google vẫn chưa được phê duyệt, chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa để xem Google sẽ làm gì với công nghệ mới và hiệu quả bảo mật thực sự ra sao.