Với việc người tiêu dùng quyết định thắt lưng buộc bụng và netbook bình dân ngày càng thịnh hành, ngành công nghiệp máy tính chắc chắn sẽ chứng kiến một đợt giảm giá "ác liệt" trong thời gian tới.
Khi Jim Wahl tậu chiếc máy tính đầu tiên của mình hồi năm 1995, nó là cả một gia tài trị giá 2.500 USD. Nhưng tháng 12 vừa qua, Wahl đã thảnh thơi "múc" một chiếc máy tính xách tay hiệu HP để tặng cho cô con gái rượu với giá vẻn vẹn 600 USD.
"Trong quá khứ, máy tính là một thứ rất lớn lao. Bạn phải suy nghĩ trăn trở rất kỹ, rất lâu trước khi đưa ra quyết định. Nhưng giờ đây, đến cái lốp ô tô của tôi cũng đắt hơn một chiếc laptop", Wahl chia sẻ.
Tất nhiên, theo thời gian cái gì mà chẳng phải rẻ đi. Máy tính cá nhân cũng không thể nằm ngoài quy luật đó. Nhưng điều đáng nói là chỉ trong vài tháng trở lại đây, giá máy tính đã tụt giảm với tốc độ chóng mặt, cao hơn rất nhiều so với tốc độ 5% trung bình mỗi năm. Riêng trong quý IV/2008 thôi, giá bán bình quân của PC đã giảm tới 14,3%, hãng nghiên cứu IDC cho biết.
Suốt 15 năm qua, chỉ có duy nhất một lần mà giá PC tuột dốc với tỷ lệ nhanh như vậy. Đó là quý IV/2001, khi "bong bóng dot-com" xì hơi và giá PC giảm sâu tới 14,5%.
Theo IDC, đà sụt giảm hiện nay chưa hề có dấu hiệu chững lại. Nhiều khả năng giá PC sẽ còn giảm mạnh hơn nữa trong thời gian tới, khi mà người tiêu dùng toàn cầu thắt chặt chi tiêu để đối phó với khủng hoảng kinh tế. Đấy là chưa kể đến sự nổi lên của netbook, thuật ngữ để chỉ những chiếc máy tính siêu nhỏ, gọn, nhẹ, giá bán dưới 500 USD.
"Mọi việc chưa xong đâu. Thị trường sẽ còn tiếp tục cắm đầu đi xuống đến ít nhất là hết năm nay", chuyên gia Rob Enderle bình luận. Ông dự đoán giá bán trung bình của laptop có thể giảm thêm 10%, trong khi giá desktop giảm khoảng 15%.
Netbook 250 USD
Đà giảm giá mãnh liệt này có thể làm thay đổi động lực của ngành công nghiệp công nghệ. Với người dùng và các doanh nghiệp, xu hướng này dĩ nhiên là "dễ chịu". Họ được hưởng những sản phẩm điện toán tuyệt vời với giá chưa đến 1.000 USD.
Nguồn: AFP |
Nhưng với nhà sản xuất, tình hình hiện tại đúng là "đau đớn". Các hãng máy tính như Dell và Lenovo đang phải vật lộn điêu đứng khi người dùng chỉ chăm chăm săn lùng những món hàng giá rẻ. Ngay cả các hãng sản xuất linh kiện như chip nhớ và màn hình cũng bị vạ lây.
Đến như Intel và Microsoft, hai hãng công nghệ hùng mạnh và quyền lực nhất trong địa hạt PC, cũng phải tiến hành những thay đổi chiến lược để ứng phó với thực tế mới. Suy thoái kinh tế quả là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự rớt giá không thương tiếc của máy tính, dù cho đến một lúc nào đó, thị trường cũng sẽ phải hồi phục dần.
Một xu hướng không thể đảo ngược hay bàn cãi gì nữa, chính là tầm quan trọng ngày càng lớn của netbook.
Những thương hiệu như Asus và Acer đang lục tục tung ra những thiết bị tối giản, cấu hình thấp với chức năng chủ yếu là lướt Net và giá bán dao động trong khoảng 300 - 600 USD. Trước sự đón nhận niềm nở của người dùng, những đại gia như HP, Dell, Sony cũng không thể khoanh tay đứng nhìn.
Các hãng này bắt đầu trình làng những thiết kế netbook của riêng mình. Ngay cả Apple cũng bị đồn là sắp tung ra một mẫu netbook có giá 600 USD. Còn theo dự đoán của hãng nghiên cứu IDC, doanh số netbook bán được trong năm nay sẽ tăng gấp đôi lên 20 triệu máy, chiếm 15% tổng số máy tính xách tay xuất xưởng của cả thế giới.
Ăn lẹm thị phần
Đua chen vào sân chơi netbook là vậy, song các hãng máy tính kỳ cựu đều hiểu: chủng loại máy tính mới này có thể sẽ đe doạ đến công việc kinh doanh truyền thống của họ.
HP, Microsoft đều muốn có một miếng bánh trong phân khúc netbook tăng trưởng nóng, nhưng họ chẳng mong doanh số desktop và laptop giá cao của mình bị ăn lẹm chút nào. Mà ai cũng hiểu, chính desktop với laptop mới mang về nhiều lợi nhuận hơn cho nhà sản xuất.
Chuyên gia David Daoud của IDC ước tính mỗi hãng PC chỉ phải trả từ 15-25 USD cho mỗi netbook để chúng được cài hệ điều hành Windows. Mức giá này chưa bằng một nửa so với phiên bản Windows XP rẻ nhất dành cho laptop thông thường. Chuyên gia Brent Thill của Citigroup thậm chí còn gọi netbook là một "xu hướng hiểm hoạ" đối với gã khổng lồ phần mềm.
Điều đáng lo hơn là dù giá bán không đổi, song netbook đang ngày một cải tiến để trở nên mạnh mẽ hơn, sở hữu màn hình lớn hơn. Dù chỉ phải bỏ ra 360 USD, một "con máy" Asus Eee PC 901 vẫn mang đến cho bạn màn hình 9 inch, kết nối Wi-Fi tích hợp, camera và khả năng tải ảnh dễ dàng lên Flickr.
Nguồn: Engadget |
Thông tin mới nhất là hãng chip Freescale đang làm việc với một số hãng PC để sản xuất ra những mẫu netbook có giá "bèo bọt" tới mức 199 USD. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng sẽ có thể ra mắt ngay cuối năm nay.
Vào ngày 16/2 vừa qua, một hãng cung cấp linh kiện khác là Nvidia cũng công bố dòng chip mới của hãng sẽ góp mặt trong một series máy tính mini với giá bán chưa đầy 100 USD mà lại chạy được video phân giải cao.
Khá nhiều hãng PC lớn tỏ ra hoài nghi tuyên bố này, nhưng các quan chức của Nvidia vẫn tỏ ra kiên định. "Chúng tôi tin mình đủ khả năng chế tạo một thiết bị rất mạnh". Song họ cũng thừa nhận "mức giá 99 USD khó có thể bị chặt thấp hơn nữa".
Cải thiện sức cầu
Những thay đổi trong cách thức phân phối càng khiến cho người dùng có suy nghĩ tiêu cực hơn về giá trị của máy tính truyền thống.
Một số mạng không dây lớn tại châu Âu và Mỹ đã bắt đầu bày bán netbook với mức trợ giá đáng kể. Nhiều netbook "hot" có thể đến tay người dùng chỉ với 199 USD, thậm chí miễn phí, nếu bạn chịu ký vào hợp đồng thuê bao dịch vụ trong vòng 2 năm.
Lấy thí dụ như hãng bán lẻ RadioShack đang bán mẫu netbook Acer Aspire One kèm theo hợp đồng 2 năm với mạng AT&T ở mức giá cực hời: 150 USD. Con số này thấp hơn 50 USD so với phiên bản iPhone rẻ nhất, cũng phân phối qua kênh AT&T.
Nhưng nhìn từ góc độ tích cực hơn, rõ ràng là PC giá rẻ sẽ có thể đánh thức và khôi phục lại sức cầu trên thị trường. "Các thương vụ giá hời là một cơ hội để bán được nhiều sản phẩm hơn tới cho khách hàng mới", nhà phân tích Ezra Gottheil của Technology Business Research bình luận.
Đấy cũng là lý do vì sao mà hãng nghiên cứu iSuppli lại dự đoán rằng, bất chấp suy thoái kinh tế, doanh số tiêu thụ của máy tính xách tay sẽ vẫn tăng trưởng 12% trong năm nay, đạt mức 156 triệu máy trên phạm vi toàn cầu.
Tại thời điểm này, một số hãng máy tính hiểu rằng: bán được cái gì là mừng lắm rồi, dù cho đó là netbook giá bèo hay laptop cao cấp. Họ chấp nhận lấy công làm lãi, lấy số lượng lớn bù cho lợi nhuận.
"Netbook sẽ chiếm khoảng 50% doanh số của chúng tôi trong năm nay. Chúng là mặt hàng rất dễ bán và bạn không thể cưỡng hay chống lại xu thế chung. Bạn nên học cách thích ứng với nó thì hơn", Giám đốc điều hành John Tucker của hãng máy tính CTL cho biết.