Mới đây, Tổng chưởng lý New York bà Letitia James đã chính thức đâm đơn kiện Facebook vì hành vi độc quyền. Vụ kiện cáo buộc Facebook đã giết chết sự cạnh tranh bằng cách thâu tóm các công ty nhỏ như Instagram và WhatsApp để loại bỏ mối đe dọa mà chúng có thể gây ra cho hoạt động kinh doanh của Facebook. 47 Tổng chưởng lý của các tiểu bang và khu vực khác cũng đã tuyên bố tham gia vào vụ kiện này.
Vụ kiện tập trung vào các thương vụ thâu tóm của Facebook, đặc biệt là vụ thâu tóm Instagram với giá 1 tỷ USD vào năm 2011. Bên cạnh chiến lược thâu tóm, bà Tổng chưởng lý còn cáo buộc Facebook đã dùng sức mạnh và phạm vi tiếp cận của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới để kìm hãm sự phát triển người dùng của các đối thủ cạnh tranh.
"Trong gần một thập kỷ qua, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn và loại bỏ sự cạnh tranh", bà James nói. "Facebook đã dùng những khoản tiền lớn để thâu tóm các đối thủ tiềm năng trước khi họ có thể đe dọa tới sự thống trị của Facebook".
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng vừa khởi động một vụ kiện khác nhắm vào Facebook với lý do tương tự. Với Facebook, vụ kiện của FTC còn nghiêm trọng hơn khi mà họ kêu gọi tòa án hủy bỏ hai thương vụ thâu tóm Instagram và WhatsApp, biến chúng thành hai công ty độc lập.
Đáp lại, Facebook cho biết cả hai thương vụ thâu tóm trên đều đã được các cơ quan quản lý đồng ý. Vì thế, hủy bỏ chúng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Trước đó, trong phiên điều trần với Hạ viện, các email của Mark Zuckerberg đã được hé lộ. Trong một email gửi đến David Ebersman, người từng là giám đốc tài chính của Facebook, Zuckerberg đã khẳng định rằng mua lại Instagram là một mũi tên trúng hai đích. Đó là cách để vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh và đồng thời cũng là cách để cải tiến Facebook.
Do mâu thuẫn về chính sách điều hành, hiện tại tất cả nhà sáng lập của Instagram và WhatsApp đều đã không còn làm việc tại Facebook. Chúng ta hãy cùng chờ xem vụ kiện tụng này sẽ dẫn tới kết quả như thế nào.