Nhiều người dùng không đặt mật khẩu cho smartphone vì cho rằng không cần thiết hoặc ngại thực hiện thao tác mở khóa. Theo một chuyên gia của hãng bảo mật Symantec, thói quen đó có thể khiến họ trả giá đắt.
Nếu chẳng may thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng, latop…) của bạn bị lấy cắp hay bị bỏ quên tại một điểm công cộng nào đó như quán cà phê, hậu quả có thể sẽ không lường trước được. Một người lạ tình cờ nhặt được chiếc điện thoại của bạn và có thể thực hiện các cuộc gọi đường dài quốc tế và mọi chi phí bạn sẽ phải gánh chịu. Hoặc giả bị thất lạc máy tính bảng, bạn có thể sẽ mất những ghi chú quan trọng của một cuộc họp, số điện thoại của những khách hàng quan trọng và những dữ liệu nhạy cảm khác.
Các biện pháp cơ bản như khóa màn hình, khóa bàn phím... tuy đơn giản nhưng là cách hiệu quả ngăn chặn các tội phạm thông thường. (Nguồn: The lifefiles)
Vì vậy, theo ông Effendy Ibrahim, Cố vấn Luật về An toàn Internet kiêm Giám đốc Bộ phận Norton, mảng Kinh doanh Tiêu dùng, Symantec khu vực châu Á, người dùng nên có biện pháp bảo vệ thiết bị di động của mình bằng cách tạo mật khẩu để khóa điện thoại thông minh (smartphone). “Mặc dù đó không phải là biện pháp tuyệt đối an toàn, nhưng nó sẽ giúp ngăn chặn những loại tội phạm thông thường, giảm bớt rủi ro với tài sản thông tin của người dùng”, Effendy nói trong một buổi giới thiệu kết quả nghiên cứu gần đây của Symantec về phần mềm gián điệp.
Cùng với mật khẩu smartphone, người dùng có thể cài đặt một số ứng dụng bảo vệ có tính năng khóa điện thoại và xóa dữ liệu từ xa trong trường hợp máy bị mất hoặc bị đánh cắp. Có thể tận dụng thời gian mật khẩu chưa bị mở để xóa dữ liệu hoặc tìm lại thiết bị. Ngoài ra, các phần mềm này còn giúp ngăn ngừa nguy cơ xâm phạm thông tin cá nhân từ các loại virus (thường được ngụy trang dưới hình thức những ứng dụng hấp dẫn "mồi chài" người dùng tải về).
Để bảo vệ thông tin cá nhân, Effendy khuyên người dùng không nên sử dụng thiết bị di động như một thiết bị lưu trữ duy nhất đối với những thông tin quan trọng. “Hãy giữ một bản sao lưu các số điện thoại và địa chỉ trên máy tính của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giảm thiểu số lượng những thông tin cá nhân và thông tin tài chính lưu trữ trên các thiết bị di động”, Effendy nhấn mạnh. “Dù chúng ta đều biết chúng tiện lợi đến cỡ nào nhưng phòng hờ vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất, do vậy, không nên lưu trữ số PIN, mật khẩu và các thông tin tài khoản trên thiết bị di động”.